Giải mã bí ẩn về xác ướp ‘người cá tí hon’ ở Nhật
Sử sách địa phương có ghi, “người cá tí hon” được phát hiện ở Thái Bình Dương, ngoài khơi đảo Shikoku trong khoảng thời gian từ năm 1736 – 1741. Sinh vật gây chú ý vì có phần đầu và thân giống của một loài linh trưởng nhỏ, trong khi nửa dưới cơ thể giống cá.
Xác ướp của sinh vật nổi tiếng này đã được trưng bày tại đền Enjuin ở Asakuchi suốt hơn 40 năm, thu hút đông đảo du khách tới cúng tế vì tin xác ướp sẽ mang lại may mắn cho họ. Trong dư luận còn có những lời đồn thổi rằng, các sinh vật siêu nhiên nhỏ bé như vậy là bất tử và bất cứ ai ăn thịt của chúng cũng sẽ “trường sinh bất lão”.
Một nhóm các nhà khoa học Nhật đã đề nghị được kiểm tra kỹ lưỡng hơn để xác thực nhiều truyền thuyết xung quanh xác ướp nổi tiếng.
Theo trang Oddity Central, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki năm ngoái đã được phép sử dụng các kỹ thuật hiện đại để phân tích xác ướp người cá ở đền Enjuin, bao gồm cả chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ, kính hiển vi điện tử và phân tích ADN.
Họ phát hiện, mẫu vật dài gần 30,5cm thực tế không có bộ xương. Dấu tích về xương duy nhất nằm ở phần dưới của xác ướp và dường như thuộc về một con cá. Phần còn lại rõ ràng là sự kết hợp kỳ lạ giữa nhiều xác động vật, vải, giấy và bông.
Một số nhà khoa học trước đây từng nêu giả thuyết, xác ướp người cá được tạo ra bằng cách khâu đầu và thân của một con khỉ nhỏ vào phần thân dưới của một con cá. Các cuộc kiểm tra năm ngoái đã chứng minh, xác ướp là sản phẩm nhân tạo.
Sau khi dùng vải và giấy để làm phần thân “người cá”, người tạo ra xác ướp đã sơn nó bằng một hỗn hợp làm từ cát và than củi. Hàm và răng của xác ướp rất có thể được lấy từ một loại cá săn mồi, còn móng được làm từ chất sừng. Việc xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ cho thấy mẫu vật có từ đầu những năm 1800.
Mặc dù mục đích tạo ra xác ướp linh thiêng vẫn còn là một bí ẩn, nhưng các nhà khoa học nhận định nó nhằm khiến mọi người tin rằng Ningyos, sinh vật bất tử trong thần thoại Nhật, là có thật.
Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện của mình vào đầu năm nay. Họ hy vọng có thể tiếp cận một vài trong số 14 “xác ướp người cá” khác ở khắp đất nước mặt trời mọc để tiến hành phân tích, so sánh.
Tuấn Anh