Giá xăng dầu hôm nay 7/4: Đảo chiều đi lên, chiếm mốc 85 USD/thùng
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 3/4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 đang bán 22.080 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giá bán là 23.120 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 19.430 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa là 19.030 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay đảo chiều đi lên sau khi giảm nhẹ vào phiên hôm trước. Giá dầu Brent đã lấy lại mốc 85 USD/thùng.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h34' ngày 7/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 85,12 USD/thùng, tăng 0,13 USD, tương đương 0,15% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 80,7 USD/thùng, tăng 0,09 USD, tương đương 0,11% so với phiên liền trước.
Hôm qua (6/4), giá xăng dầu thế giới đứt mạch tăng trước các tín hiệu trái chiều.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h29' ngày 6/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 84,48 USD/thùng, giảm 0,51 USD, tương đương 0,6% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 80,11 USD/thùng, giảm 0,5 USD, tương đương 0,62% so với phiên liền trước.
Đến tối 6/4, giá dầu thế giới đã đảo chiều tăng nhẹ. Lúc 19h33' ngày 6/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 85,2 USD/thùng, tăng 0,21 USD, tương đương 025% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 80,74 USD/thùng, tăng 0,13 USD, tương đương 0,16% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi lên sau khi có thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm. Báo cáo mới đây của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 31/3 giảm 4,3 triệu thùng, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm nhiều hơn dự kiến.
Cùng với đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Kế hoạch này của OPEC+ sẽ nâng tổng lượng cắt giảm của nhóm này lên 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu. Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có khả năng sẽ gây áp lực lên phía Chính phủ Mỹ trong việc tìm cách hạ nhiệt lạm phát, trong đó có giá dầu.
Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái kinh tế tại các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, đang hạn chế đà tăng của giá dầu trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp.
Các dữ liệu về lao động được công bố mới đây tại Mỹ tương đối tiêu cực. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho hay, cơ hội việc làm trong tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm. Dữ liệu về việc làm có thể là dấu hiệu đầu tiên của sự suy yếu trong thị trường lao động Mỹ.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất trong tháng 3 của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm. Điều đó cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Hoạt động sản xuất sụt giảm và thắt chặt nguồn lao động đã dẫn tới suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Giới chuyên gia nhận định, sự suy yếu trong nền kinh tế có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.
Các nhà giao dịch đang chờ thêm tín hiệu về xu hướng kinh tế từ dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ (dự kiến được công bố vào cuối tuần này) trong bối cảnh dữ liệu kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc suy yếu, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu.
Hạnh Nguyên