Giá xăng dầu hôm nay 5/4: Vững đà đi lên
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 3/4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 60 đồng/lít, lên mức 22.080 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 90 đồng/lít, giá bán là 23.120 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 120 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.430 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa giảm 430 đồng/lít, giá bán là 19.030 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu nối dài đà tăng từ 4 phiên trước. Giá dầu WTI vượt 81 USD/thùng còn giá dầu Brent tiến sát mốc 86 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h51' ngày 5/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 85,46 USD/thùng, tăng 0,52 USD, tương đương 0,61% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 81,15 USD/thùng, tăng 0,44 USD, tương đương 0,55% so với phiên liền trước.
Ngày 4/4, giá dầu tiếp tục tăng do lo ngại căng thẳng nguồn cung toàn cầu.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h52' ngày 4/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 85,34 USD/thùng. Còn giá dầu WTI giao tháng 5 được giao dịch ở mức 80,85 USD/thùng.
Đến 19h40' ngày 4/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 85,54 USD/thùng, tăng 0,61 USD, tương đương 0,72% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 81,07 USD/thùng, tăng 0,65 USD, tương đương 0,81% so với phiên liền trước.
Giá dầu tăng mạnh sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thông báo cắt giảm thêm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5. Theo tính toán của Reuters, tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ có thể lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Động thái này khiến cho lo ngại về nguồn cung gia tăng. Ngay cả Mỹ cũng khó có thể đẩy nhanh tốc độ sản xuất để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung. Hiện sản lượng dầu của Mỹ đạt 12,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 500.000 thùng/ngày so với mức trước đại dịch Covid-19.
Quyết định cắt giảm sản lượng đầy bất ngờ của OPEC+ làm gia tăng mối lo ngại về viễn cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái do lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Theo trang tin Bloomberg, đợt cắt giảm này của OPEC+ sẽ xóa sạch thặng dư nguồn cung hiện tại và đẩy thị trường dầu mỏ vào tình trạng thâm hụt sâu hơn kể từ quý III/2023.
Cùng với quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho hay Moscow sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2023.
Nhiều ý kiến nhận định, động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ và Nga có thể làm tăng giá dầu trên toàn cầu do thiếu hụt nguồn cung.
Một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới đã nâng dự báo giá dầu lên mức cao hơn.
Ngân hàng Goldman Sachs mới đây nâng dự báo giá dầu Brent lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay và lên 100 USD vào năm 2024. Trước đó, Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent đạt mức 90 USD/thùng vào tháng 12/2023 và 95 USD/thùng vào tháng 12/2024.
Trong khi đó, Ngân hàng UBS nâng ước tính giá dầu lên 100 USD/thùng vào tháng 6 năm nay.
Hạnh Nguyên