Giá xăng dầu hôm nay 4/4: Tiếp tục tăng, dầu Brent vượt 85 USD/thùng
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (4/4) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 3/4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 60 đồng/lít, lên mức 22.080 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 90 đồng/lít, giá bán là 23.120 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 120 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.430 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa giảm 430 đồng/lít, giá bán là 19.030 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (4/4) tiếp đà tăng từ ngày hôm qua. Giá dầu WTI vượt 80 USD/thùng còn giá dầu Brent đạt trên 85 USD/thùng.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h52' hôm qua (ngày 4/4, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 85,34 USD/thùng, tăng 0,41 USD, tương đương 0,48% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 5 được giao dịch ở mức 80,85 USD/thùng, tăng 0,43 USD, tương đương 0,53% so với phiên liền trước.
Hôm qua (3/4), giá dầu bật tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h50' hôm qua (ngày 3/4, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 84,32 USD/thùng, tăng 4,43 USD, tương đương 5,55% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 5 được giao dịch ở mức 79,91 USD/thùng, tăng 4,24 USD, tương đương 5,6% so với phiên liền trước.
Đến 19h27' ngày 3/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 85,01 USD/thùng, tăng 5,11 USD, tương đương 6,4% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 80,48 USD/thùng, tăng 4,81 USD, tương đương 6,36% so với phiên liền trước.
Giá dầu tăng mạnh sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thông báo cắt giảm thêm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5. Như vậy, theo tính toán của Reuters, tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Một cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC đạt trung bình 28,9 triệu thùng/ngày trong tháng 3, hạ 70.000 thùng/ngày so với tháng 2 và giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9/2022.
Đây là động thái bất ngờ, qua đó OPEC chính thức từ bỏ những đảm bảo trước đó rằng tổ chức này sẽ giữ ổn định nguồn cung để duy trì thị trường ổn định.
Quyết định này diễn ra một ngày trước cuộc họp trực tuyến của Hội đồng cấp bộ trưởng OPEC+, trong đó có Ả-rập Xê-út và Nga.
Ả-rập Xê-út, nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC, tuyên bố sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày. Bộ Năng lượng nước này khẳng định việc cắt giảm này là một biện pháp phòng ngừa nhằm giúp ổn định thị trường dầu mỏ.
Cùng với Ả-rập Xê-út, một số quốc gia khác như Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Algeria cũng bắt đầu cắt giảm sản lượng dầu.
Theo một số chuyên gia, quyết định cắt giảm sản lượng bất ngờ của nhóm OPEC+ có thể đẩy giá dầu tăng 10 USD/thùng.
Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay và lên 100 USD vào năm 2024.
Tuy nhiên, quyết định này đang đặt ra mối lo ngại lớn cho lạm phát toàn cầu. Với động thái này, nguy cơ thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát tại nhiều nước có thể được tiếp tục thúc đẩy. Điều này sẽ gây áp lực tới nền kinh tế và nhu cầu dầu thô trong dài hạn.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của Nga. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho hay Moscow sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2023. Vào tháng 2 vừa qua, Moscow đã đơn phương thông báo mức cắt giảm này sau khi phương Tây áp trần giá đối với dầu của nước này.
Vào tuần trước, giá dầu Brent đã tăng hơn 7% và giá dầu WTI tăng hơn 9% do lo ngại nguồn cung thắt chặt và lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt.
Hạnh Nguyên