Giá xăng dầu hôm nay 1/6: Trong nước dự báo tăng, thế giới giảm mạnh
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ chiều nay (1/6) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, do giá xăng nhập tại thị trường Singapore ở kỳ điều hành này tăng nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào hôm nay được dự báo tăng.
Nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 550-810 đồng/lít, giá RON 95 có khả năng tăng 650-900 đồng/lít. Còn giá dầu có thể tăng từ 250-300 đồng/lít.
Trong trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn, giá xăng, dầu có thể tăng ít hơn.
Nếu dự báo trên chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước hôm nay sẽ tăng lần thứ hai liên tiếp.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 22/5), giá xăng được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng. Theo đó, giá xăng RON 95 tăng 490 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít. Xăng E5 RON 92 tăng 350 đồng/lít, lên mức giá 20.480 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 300 đồng/lít, lên mức 17.950 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 10 đồng/lít, xuống mức 17.960 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay vẫn tiếp đà giảm mạnh từ 2 phiên trước.
Hôm qua (31/5), giá dầu thế giới giảm khá mạnh, khi cả 2 loại dầu chuẩn mất khoảng 2 USD/thùng. Giá dầu Brent đã xuống mức 71 USD/thùng, còn giá dầu WTI về mức 67 USD/thùng.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h35' ngày 31/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 73,41 USD/thùng, giảm 0,13 USD, tương đương 0,18% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 69,22 USD/thùng, giảm 0,24 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước.
Đến 19h55' ngày 31/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 71,79 USD/thùng, giảm 1,75 USD, tương đương 2,38% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 67,37 USD/thùng, giảm 2,09 USD, tương đương 3,01% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu thế giới suy yếu dưới sức ép từ các số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới) và đà tăng của đồng USD.
Sáng 31/5, Trung Quốc đã công bố các chỉ số quản lý thu mua (PMI) của tháng 5, với các chỉ số tiêu cực hơn so với dự báo. Theo đó, chỉ số PMI sản xuất giảm về 48,8 điểm, phản ánh sự thu hẹp sản xuất của Trung Quốc. Chỉ số PMI phi sản xuất (đo lường mức độ tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ) của Trung Quốc về mức 54,5 điểm, giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Các tin tức trên gây bất lợi đối với giá dầu.
Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng USD cũng gây áp lực lên giá dầu. Chỉ số Dollar Index - đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt - đã lên mức 104,41 điểm. Đồng USD tăng nhanh khiến dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Thêm vào đó, giá dầu lao dốc còn do các nhà đầu tư lo ngại khả năng thỏa thuận trần nợ của Mỹ vẫn gặp trở ngại khi số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hoà cho biết sẽ phản đối thỏa thuận này.
Ngoài ra, những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp giữa tháng 6 này cũng khiến giá dầu đi xuống. Bởi lãi suất của Mỹ tăng cao hơn sẽ là trở ngại với nhu cầu dầu mỏ.
Hạnh Nguyên