Gia nhập Công ước Cape Town: Lo ngại tăng việc cho tòa án do khởi kiện
Đến 2020 Vietnam Airlines sẽ có khoảng 150 tàu bay. Ảnh IT |
Ngày 18/4, Bộ GTVT đã đề xuất, xin ý kiến UBTVQH về việc gia nhập Công ước quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhu cầu về phát triển đội tàu bay hiện đại rất lớn. Dự kiến đến năm 2030, hàng không Việt Nam 132 triệu khách và 125.000 triệu hành khách/ Km.
Để đáp ứng lượng vận tải trên, đội tàu bay của Vietnam Airlines đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 140-150 tàu bay, trong đó 50% là tàu bay sở hữu.
Vietjet Air cũng dự kiến phát triển đội tàu bay 30 chiếc đến năm 2020 và sẽ mua 93 tàu bay cho giai đoạn đến 2030 theo Hợp đồng nguyên tắc đã ký với Airbus. Ngoài ra hãng hàng không Jetstar Pacific cũng xây dựng kế hoạch đội tàu bay đến năm 2016 là 15 chiếc.
Tuy nhiên cho đến nay, các hãng hàng không của Việt Nam khi thu xếp các nguồn vay tín dụng cho các dự án mua tàu bay, động cơ tàu bay phải chịu thủ tục phức tạp, lãi suất cao, không được hưởng các ưu đãi từ các hãng sản xuất tàu bay, quốc gia sản xuất tàu bay.
“Tổng tư lệnh” ngành GTVT cho rằng, nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các hãng hàng không là rất cấp bách. Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay.
Khi gia nhập Cape Town, Vietnam Airlines sẽ giảm 0,61 triệu USD/1 tàu bay đối với dự án mua 10 tàu bay A321 giai đoạn 2013-2015; giảm giá 1 triệu USD/1 tàu bay khi thực hiện hợp đồng mua 26 tàu bay Boeing 787 và A350 đã ký. Tổng chi phí của các hợp đồng trên giảm 32,1 triệu USD...
Tương tự VietJet cũng có điều kiện thuận lợi để thực hiện phát triển đội tàu bay sở hữu với chi phí tiết kiệm trên 56,5 triệu USD từ hợp đồng nguyên tắc đã ký với Airbus.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, đây là điều kiện tiên quyết cho việc giảm giá thành khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trên thị trường vận chuyển hàng không quốc tế của VietJet. Đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Việt Nam với các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên Bộ trưởng GTVT cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập khi việc tuân thủ, bảo vệ các quyền lợi của doanh nghiệp theo quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, khả năng gia tăng khối lượng công việc cho Tòa án Việt Nam do chủ nợ khởi kiện hoặc yêu cầu thực hiện các biện pháp hỗ trợ khi các con nợ tại Việt Nam vi phạm nghĩa vụ.
Chủ nhiệm UB đối ngoại Trần Văn Hằng cũng cho rằng, việc gia nhập công ước mới chỉ là bước đầu để ta nhận được lợi ích. Ông Hằng đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những khó khăn, thách thức trong quá trình thực thi công ước.
Công ước Cape Town: có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2006, tính tới thời điểm hiện tại có 59 quốc gia và 01 tổ chức quốc tế là thành viên.
Nghị định thư về thân tàu bay, động cơ tàu bay và trực thăng (Nghị định thư Cape Town): ký ngày 16/11/2001, có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2006, tính tới thời điểm hiện tại có 53 quốc gia và 01 tổ chức quốc tế là thành viên.