Vì sao Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết diệt sâu bọ?
Tết Đoan ngọ là một ngày lễ tết truyền thống ở Việt Nam. Dân gian thường gọi Tết Đoan ngọ là Tết diệt sâu bọ có lẽ vì ngày này liên quan trực tiếp tới văn hóa nông nghiệp.
Tết Đoan ngọ nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, đây là thời điểm kết thúc vụ lúa Chiêm, bước vào đầu vụ lúa Mùa. Lúc này thời tiết nóng nực, sâu bọ phát triển nhiều.
Theo truyền thuyết dân gian, người nông dân xưa đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ để bước vào mùa mới thì có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông Đôi Truân chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ đàn lũ té ngã rồi đi mất.
Từ đó, ngày Tết diệt sâu bọ được thực hiện hàng năm.
Có lẽ do gắn liền với văn hóa nông nghiệp nên ngày Tết Đoan ngọ (Tết diệt sâu bọ) hiện nay vẫn được cúng lễ rất chu đáo ở các làng quê Việt Nam.
Tết diệt sâu bọ là một cách gọi rất thuần Việt. (ảnh minh họa) |
Theo truyền thống, mâm lễ vật cúng Tết Đoan ngọ bao gồm: hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả bánh trái có vị chua, cay, nóng.
Trong đó, không thể thiếu món bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp, xôi, chè.
Lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có đôi chút khác nhau theo vùng miền. Ví dụ như, miền Bắc có bánh tro trên mâm cúng còn miền Nam có bánh ú, chè trôi nước, miền Trung lại có chè kê.
Ngọc Khánh