Tết Đoan ngọ 2022 là ngày nào, nguồn gốc ra sao?
Tết Đoan ngọ vào mùa hè oi nóng, gắn liền với văn hóa nông nghiệp của Việt Nam
Dân gian thường gọi Tết Đoan ngọ là Tết diệt sâu bọ có lẽ vì ngày này liên quan trực tiếp tới văn hóa nông nghiệp. Tết Đoan ngọ 2022 vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch, tức thứ Sáu ngày 3/6/2022.
Theo nghĩa Hán - Việt, "Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Vậy nên ăn tết Đoan ngọ thường là ăn vào buổi trưa.
Những món ăn phổ biến trong ngày Tết Đoan ngọ |
Tết Đoan ngọ nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, đây là thời điểm kết thúc vụ lúa Chiêm, bước vào đầu vụ lúa Mùa. Lúc này thời tiết nóng nực, sâu bọ phát triển nhiều.
Theo truyền thuyết dân gian, người nông dân xưa đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ để bước vào mùa mới thì có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông Đôi Truân chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ đàn lũ té ngã rồi đi mất. Từ đó, ngày Tết diệt sâu bọ được thực hiện hàng năm.
Có lẽ do gắn liền với văn hóa nông nghiệp nên ngày Tết Đoan ngọ (Tết diệt sâu bọ) hiện nay vẫn được cúng lễ rất chu đáo ở các làng quê Việt Nam.
Theo lệ xưa, đúng giờ ngọ giữa trưa, người dân thôn quê rủ nhau đi hái lá thuốc để chữa các bệnh ngứa ngoài da, các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo. Một số nơi còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà... Ngày nay, phần lớn các tục lệ này đã không còn nữa nhưng lễ cúng Tết Đoan ngọ thì vẫn được thực hiện chu đáo.
Mâm lễ vật cúng Tết Đoan ngọ thường bao gồm: hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả bánh trái có vị chua, cay, nóng. Trong đó, không thể thiếu món bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp, xôi, chè.
Bánh ú tro không thể thiếu trong Tết Đoan ngọ |
Lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có đôi chút khác nhau theo vùng miền. Ví dụ như, miền Bắc có bánh tro trên mâm cúng còn miền Nam có bánh ú, chè trôi nước, miền Trung lại có chè kê. Người miền Trung cũng thường ăn thịt vịt trong dịp này vì cho rằng thịt vịt tính mát, có thể đẩy lùi oi bức giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Món ngon mùa hè: 11 món thịt vịt vừa ngon vừa dễ làm
Theo quan niệm dân gian, thịt vịt là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tính mát, phù hợp với cơ thể vào mùa hè nóng nực.
Ngọc Khánh