Có nên ly hôn khi chồng đưa 'tiểu tam' và con riêng về nhà?
Một khi người đàn ông không thiết tha với những điều phụ nữ cố gắng thì cứu vãn cũng trở nên vô ích. Do đó, không cần phải duy trì mối quan hệ cứng nhắc mà trên thực tế chỉ còn là hình thức.
Ảnh minh họa |
Chuyên gia tâm lý, xã hội học PGS. TS Trịnh Hoà Bình cho biết từng tư vấn cho rất nhiều trường hợp chị em vật vã đau khổ nhờ chuyên gia làm sao để kéo chồng quay về, quên đi người thứ ba.
Trong đó, ông nhớ nhất hình ảnh một người phụ nữ có gương mặt phúc hậu nhưng đôi mắt quầng thâm, mang nỗi buồn u uẩn. Cô ấy tìm đến chuyên gia tư vấn trong trạng thái mất hết niềm tin vào cuộc sống.
Nguyên do là bởi, cô và chồng yêu nhau từ thời đại học, cùng nhau gây dựng cơ ngơi, sinh hai con đủ cả nếp tẻ. Đến giờ khi các con đã lớn, chồng có vị trí nhất định trong một doanh nghiệp nhà nước, cô cũng đảm nhiệm vai trò trưởng phòng của một công ty chuyên xuất nhập khẩu.
“Người ngoài ai cũng bảo cô may mắn lấy được chồng thành đạt, các con ngoan ngoãn. Nhưng cô ấy đã sốc khi bố chồng ốm nặng, dự báo không qua khỏi thì chồng cô đã đưa con riêng và mẹ của cháu bé về gặp gia đình. Cô ấy đau đớn, uất ức và từng không thiết sống”, PGS. TS Trịnh Hoà Bình kể lại.
Nghĩ đến các con, giữ sĩ diện cho mình, cho chồng, cô lẳng lặng gặp riêng người phụ nữ ấy. Trái ngược với thái độ của người thứ 3 xen vào cuộc hôn nhân chính danh, người phụ nữ ấy trâng tráo tuyên bố chồng cô sống với cô chỉ là nghĩa. Không dừng lại ở đó, "tiểu tam" còn ráo hoảnh đề nghị cô ấy nên nhường chồng.
Gặp chuyên gia tư vấn, cô ấy chỉ duy nhất một câu hỏi: Có nên ly hôn hay không?.
PGS. TS Trịnh Hoà Bình: Một khi người đàn ông không thiết những điều phụ nữ cố gắng thì cứu vãn hôn nhân cũng trở nên vô ích. |
PGS. TS Trịnh Hoà Bình cho hay, theo lẽ thông thường những tình huống như thế này người ta hay tư vấn kiểu vỗ về, chủ yếu khuyên cho phải đạo như khéo léo, tinh tế làm sao để giành lại chồng, tránh làm sứt mẻ tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm…
“Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, không phải “xúi” đâu nhưng tôi thường động viên người ta tìm cách “giải tán” trong khi thiên hạ đa số tìm cách vun vào, khuyên nhủ chung sống hoà bình, thậm chí giả vờ như không biết hoặc là khéo léo bóng gió để cho người chồng biết rằng mình biết nhưng vẫn tin, vẫn hy vọng có sự hồi tâm, chuyển ý và xem như là một vấn đề nhỏ nhặt không phương hại đến quan hệ của cặp đôi”, PGS. TS Trịnh Hoà Bình chia sẻ.
Lý giải vì sao lại "xúi" khách hàng “chia loan, rẽ phượng”, PGS. TS Trịnh Hoà Bình cho rằng để tư vấn cho một trường hợp ông thường phải dựa trên các phân tích kỹ về hoàn cảnh.
Theo đó, những cặp đôi của người Việt đi đến quyết định ly hôn hay không đều liên quan đến đời sống kinh tế, thu nhập. Chồng hay vợ có thu nhập lớn hơn sẽ có vai trò quyết định trong việc củng cố và phát triển gia đình…
Xuất phát từ những chiều cạnh ấy, chuyên gia Trịnh Hoà Bình sẽ khuyên người phụ nữ nên dứt bỏ hơn là đeo đẳng để phải suy sụp, thậm chí bị khinh rẻ, bị nhìn nhận yếu thế.
“Đa số trong những trường hợp này sau khi phân tích các mối quan hệ kinh tế, xã hội, gia đình lớn… thấy người phụ nữ có thể độc lập, kiêu hãnh được thì tôi thường khuyên họ nên dứt bỏ, giải quyết một cách đàng hoàng”, TS Trịnh Hoà Bình chia sẻ.
Theo ông Hòa Bình, việc chia tay trong tình huống này còn tốt hơn khi xét về phương diện hôn nhân trên thực tế không còn, tình yêu đã chết.
“Vợ chồng sống với nhau bao lâu rồi, cái gọi là đầu mày cuối mắt đâu còn nữa. Đa số các cặp vợ chồng chuyển sang nghĩa. Như vậy xuất phát từ nghĩa mà các cặp vợ chồng cứ phải gò lại sống với nhau, cộng thêm sự yếu thế của người phụ nữ, đa số nhiều người khuyên phải cố gắng nhẫn nhịn, tìm cách đuổi "tiểu tam" ra khỏi cuộc chơi. Nhưng nếu như nhu cầu làm mới, nhu cầu hưởng thụ đời sống tình dục ở chồng vẫn còn thì có khuyên đến đâu họ vẫn chẳng hồi tâm chuyển ý.
Cho nên rõ ràng câu chuyện ở đây là vì để xuôi chèo mát mái, để gia đình không thất bại, tức là duy trì mối quan hệ vợ chồng “thắng lợi”, “bảo vệ” được gia đình kiểu này là phải nhẫn nhịn.
Thế nhưng một khi người đàn ông không thiết những điều phụ nữ cố gắng thì cứu vãn cũng trở nên vô ích. Do đó, nếu người phụ nữ độc lập về kinh tế, tự làm sáng được bản thân mình thì bao giờ tôi cũng khuyên nên giải tán sớm. Không cần thiết phải duy trì mối quan hệ cứng nhắc mà trên thực tế chỉ còn là hình thức”, chuyên gia Trịnh Hoà Bình phân tích.
Sự thật bẽ bàng khi 'tiểu tam' vác bụng bầu đến nhà người tình
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, cuộc sống hôn nhân luôn có cả nghìn câu chuyện và không phải bất cứ ai trở thành “tiểu tam” đều có lỗi tày đình.
N. Huyền