Ghép tạng Việt Nam đi sau nhưng thành công lớn
Ca ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức vừa qua. |
Hồi sinh nhiều cuộc sống
So với các nước, ngành ghép tạng ở nước ta muộn hơn nhưng hiện nay, nước ta đã làm chủ được nhiều kỹ thuật trong ghép tạng nhưng những kết quả, thành công đạt được mới chỉ là bước đi ban đầu.
Phẫu thuật ghép tạng tại bệnh viện hữu nghị Việt Đức được bắt đầu năm 2002 với ca ghép thận đầu tiên; tuy nhiên, sự phát triển của ghép tạng tại bệnh viện có bước tiến rõ rệt từ năm 2006 với sự ra đời của đơn vị ghép tạng. Mỗi năm, ngành Ghép tạng Việt Nam lại xác lập thêm được nhiều thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm thế giới.
Từ năm 2015 trở đi lịch sử của ngành ghép tạng Việt Nam thực sự bước sang một trang mới và đến năm 2020, ghép tạng trở thành thường quy.
Một trong những thành tựu được coi là “đặc biệt” của ngành Ghép tạng Việt Nam là thực hiện điều phối ghép tạng quốc gia bằng vận chuyển hàng không dân dụng, khi thực hiện 7 ca ghép tạng xuyên Việt thành công, trong khi hầu như không có nước nào sử dụng hàng không dân dụng để vận chuyển tạng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều kỹ thuật ghép tạng khác chưa được triển khai như ghép tụy, ghép tử cung hay ghép gan từ người sống cho người suy gan cấp.
Anh Nguyễn Văn Hải, 42 tuổi, quê ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội làm nghề cắt may là bệnh nhân được ghép tim trong hành trình ghép tạng xuyên Việt lần đầu tiên vào tháng 9/2015. Sau gần 5 năm ghép tạng, anh Hải đã khỏe mạnh hơn. Với anh, cuộc sống thực sự hồi sinh trở lại.
Chia sẻ với phóng viên Vietnamnet, anh kể lại ca ghép tạng đặc biệt ấy. Anh Hải không may bị bệnh giãn cơ tim. Anh phát hiện bệnh từ tháng 7/2014. Sau đó anh đã đặt máy tạo nhịp tim hai buồng dưới da. Tuy nhiên tình hình bệnh tật vẫn rất nặng. Thời gian sống chỉ tính bằng tuần.
Anh đã được bác sĩ tư vấn ghép tim. Khi có thông tin người hiến tim, các chỉ số phù hợp anh Hải đã được các bác sĩ tiến hành ghép tim vào tối mùng 4 rạng ngày 5/9/2015. Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng. PGS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là người ghép cho anh Hải.
Khi bị bệnh, hoàn cảnh gia đình của anh Hải thực sự khó khăn, ba con của anh còn nhỏ, cháu nhỏ nhất mới 5 tháng. Nhưng vì còn cơ hội điều trị duy nhất là ghép tim nên gia đình anh, người thân quyết định gom góp tiền để có thể thực hiện được ca ghép tim đặc biệt ấy.
Nhớ lại ca phẫu thuật gần năm năm trước của anh Hải, PGS Ước cho biết quả tim ghép cho anh Hải từ người cho chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM và đưa ra Hà Nội mất 6 tiếng đồng hồ, không có máu nên các bác sĩ đã tiên lượng được những điều xấu nhất trong ca phẫu thuật. Quả tim đưa vào bệnh nhân yếu hơn so với những quả tim ghép cho nhận ngay tại viện. Tuy nhiên, ngưỡng yếu này vẫn trong giới hạn cho phép.
Đưa tay lên ngực mình, anh Hải xúc động "Tôi cảm ơn người hiến tạng tim cho mình suốt đời. Tôi thấy mình khỏe lại như ngày xưa". Hiện anh Hải chỉ ở nhà làm các công việc lặt vặt, mỗi tháng anh tới bệnh viện tái khám một lần. Tiền thuốc điều trị duy trì của anh Hải cũng được BHYT hỗ trợ nên 1 tháng anh chỉ mất khoảng 3 triệu đồng tiền thuốc nữa.
Điều anh Hải thực hiện được đó là đi thăm gia đình người đã hiến tạng cho anh ở tận Lâm Đồng. Cuộc gặp chớp nhoáng đã mang trái tim của anh về với gia đình người hiến. Năm nay, anh Hải lên kế hoạch vào Lâm Đồng 1 lần nữa để thăm gia đình người hiến tạng cho mình nhưng vì dịch bệnh nên kế hoạch lại hoãn.
Mỗi ngày, nghe tin tức về hiến tạng, anh Hải lại thở phào vì có nhiều người như anh, thậm chí bệnh khó hơn vẫn được các chuyên gia đầu ngành ghép thành công.
Thành công nối tiếp thành công
Tháng 8/2019, một kỷ lục mới được xác lập tại Bệnh viện Việt Đức khi chưa đầy một tuần (từ 12/8 tới 18/8), có 15 ca ghép tạng được thực hiện thành công tại đây. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã lập kỳ tích khi thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não, gồm ghép một phổi, hai tim, ba gan, bốn thận với nguồn hiến đa tạng từ hai ca người chết não hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức và một ca tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân hồi sinh sau ghép tạng. |
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thực hiện năm ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống, gồm ghép một gan, bốn thận.
Trường hợp của anh N.V.K 38 tuổi, là bệnh nhân may mắn được ghép phổi thành công. Anh K. mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. 10 năm nay, tình trạng bệnh diễn biến nặng, anh K. liên tục nằm viện với máy thở và ô-xy hỗ trợ. Anh được dự đoán ở giai đoạn cuối của bệnh và chỉ có cơ hội sống sót nếu được ghép phổi.
PGS. TS Nguyễn Hữu Ước cho biết ghép phổi vẫn là một kỹ thuật ghép tạng khó nhất do phổi không giống các tạng khác, phổi là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Nếu ghép tim khó 1 thì ghép phổi khó 10. Để thực hiện ca ghép phổi, đòi hỏi các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Khi đã ghép được rồi, việc chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác.
Người ghép phổi chăm sóc khó khăn nhất vì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, như: kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng. Như trường hợp của anh K., sau khi ghép phổi trong quá trình tái khám nội soi đánh giá phổi ghép kết quả tốt, anh K có thể đi lại bình thường. Hiện tại, anh tiếp tục duy trì uống thuốc theo đơn và khám định kỳ. Với thành công của hai ca ghép phổi bệnh viện Việt Đức sẽ đưa ghép phổi thành thường quy như ghép tim.
PGS Ước cho biết khó khăn lớn nhất của ghép tạng hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà về vấn đề nguồn hiến tạng. PGS Ước kể có trường hợp chờ trong vô vọng, họ nhờ bác sĩ tìm người hiến, có trường hợp cán bộ cao cấp hoặc gia đình có nhiều quan hệ, có kinh tế nhưng không tìm được, bệnh nhân chấp nhận ra đi. Bác sĩ Ước tâm sự ghép tạng phải chờ nguồn cho, được hay không được là do số phận, có trường hợp may mắn, có trường hợp không. Có người mới đăng ký buổi sáng, chiều đã có người cho. Có người lại mòn mỏi tới lúc chết.
Từ những bước đi đầu tiên, ghép tạng Việt Nam Đến nay đã trở thành kỹ thuật thường quy. Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng và đây cũng là “thời điểm vàng” cho lĩnh vực ghép tạng. Đến nay, số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016 nhưng so với hơn 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.
Số liệu thống kê, từ ca ghép đầu tiên đến tháng 9/2019, cả nước đã thực hiện được hơn 4.200 ca ghép tạng, trong đó ghép thận là gần 4.000 ca, ghép tủy gần 600 ca, còn lại là ghép gan, tim, phổi và các loại mô, tạng khác. Riêng trong năm nay, tính đến đầu tháng 11, tổng số ca ghép tạng là 521 ca.
Theo Trung tâm điều phối ghép tạng, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó, một tỷ lệ không nhỏ là người chết não. Tạng của họ có thể cứu sống rất nhiều người khác. Tuy nhiên đến nay, việc ghép tạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống và rất ít khi được ghép từ người chết não. Đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết các ca ghép tạng đều từ người chết não.
TS. Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc trung tâm ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết sắp tới, trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân. Hoàn thiện và nâng cao các kỹ thuật đã được thực hiện thường quy như: ghép thận, ghép gan từ người chết não, cắt gan…..Bên cạnh đó tiếp tục triển khai kỹ thuật mới trong điều trị bệnh nhân: cắt gan nội soi, lấy thận từ người hiến sống nội soi, kỹ thuật ghép gan từ người hiến sống.
Tăng cường đào tạo: phối hợp với trung tâm điều phối ghép tạng đào tạo tuyến dưới về hiến tạng chết não, chẩn đoán chết não, chỉ định ghép gan thận. Tiếp tục nhận học viên sau đại học về học tập và thực hành tại trung tâm.
Tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc điều dưỡng, kỹ năng giao tiếp với người bệnh. Tiếp tục cử các bác sỹ, điều dưỡng đi học tập tại các trung tâm và bệnh viện lớn quốc tế.
Đẩy mạnh quản lý, sử dụng trang thiết bị hiệu quả, phục vụ người bệnh an toàn. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ và điều trị người bệnh ngày càng tốt hơn.