Gặp người nghệ sĩ 27 năm hóa thân vai diễn Bác Hồ
Gặp người nghệ sĩ 27 năm hóa thân vai diễn Bác Hồ
![]() |
Nghệ sĩ Tiến Hợi vào vai Bác Hồ trong phim Hà Nội mùa đông năm 1946 |
Người nghệ sỹ có nụ cười tươi, đôi mắt sáng, vầng trán cao rộng, mái tóc đã điểm bạc nhưng trông anh còn khá trẻ so với tuổi 54 của mình. Đó là nghệ sỹ Tiến Hợi, diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội, người được coi là thành công nhất trong vai diễn về Bác Hồ.
Trong căn nhà nhỏ, đồ đạc được bày trí khá giản dị, đơn sơ, nằm trong khu tập Thái Thịnh, Hà Nội, nhấp chén trà mạn thơm nồng, anh cười bảo: “Chè này là của bà con ở khu ATK Thái Nguyên tặng tuần trước, khi tôi lên tập diễn về vai Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 65 năm Bác về thăm, chương trình này sẽ được tường thuật trực tiếp trên VTV vào tối 19/5 sắp tới”.
![]() |
Nghệ sĩ Tiến Hợi ngoài đời khi 28 tuổi |
![]() |
Gia đình nghệ sĩ Tiến Hợi |
Anh cho biết, đã 27 năm nay, kể từ khi anh thực hiện vai diễn về Bác trong vở kịch “Đêm trắng”, năm 1987 đến nay, mỗi khi đến ngày sinh nhật Bác, 19/5 hàng năm anh lại thấy trong lòng bồi hồi. Mỗi lần như thế, hàng ngày trước khi đi làm, anh lại thắp nén hương lên chiếc bàn thờ có di ảnh Bác Hồ.
“Đã bao nhiêu năm nay, tôi như luôn thấy Bác ở bên, đặc biệt là mỗi lần được hóa thân vào vai diễn của Người”, anh Tiến Hợi tâm sự.
Nghệ sỹ Tiến Hợi, sinh năm 1959, quê Nghệ An nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuy thế giọng nói, sự giản dị thuần khiết của người dân xứ Nghệ như đã thấm đẫm vào trong con người anh. Đó cũng là sự thuận lợi khi anh nhập vào vai diễn Bác Hồ.
Cầm trên tay chén trà mạn nóng tỏa mùi thơm nồng, trông anh như muốn lưu giữ tình cảm của bà con khu ATK Thái Nguyên những ngày anh lưu diễn, nhập vai Bác Hồ về thăm.
Sự hóa thân của anh, đã tái hiện lại ngày Bác về thăm nơi đây khiến bà con tại đây thêm vinh dự, tự hào khi có Bác.
Nhấp chén trà mạn, nghệ sỹ Tiến Hợi kể, năm 1987 khi công tác tại Đoàn nghệ thuật Trường Sơn, anh vinh dự được lãnh đạo đoàn giao cho vai diễn Bác Hồ trong vở “Đêm trắng”, khi đó anh 28 tuổi. Để chuẩn bị tốt cho vai diễn về Bác Hồ, lãnh tụ của dân tộc anh đã đi thu thập rất nhiều tài liệu viết về Bác, thu băng giọng nói của Người rồi tập suốt ngày đêm. Sau hơn một tháng khổ luyện, vở diễn “Đêm trắng” đã gây được nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ. Vở diễn đã thành công và gây được ấn tượng mạnh trong lòng khán giả về vai diễn Bác Hồ. Đó cũng là vai diễn đầu tiên khi Tiến Hợi nhập vai diễn về Bác.
“Khi tôi vừa bước ra sân khấu, cả hội trường đã đứng dậy vỗ tay vì thấy Bác xuất hiện trên sân khấu, trong lúc diễn cả hội trường im phăng phắc để xem, lúc đó tôi còn nghe được tiếng khóc từ phía khán giả”, nghệ sỹ Tiến Hợi nhớ lại.
Ngay sau khi vở diễn thành công, đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác Hồ) đã vào tận nơi để xem vở diễn, gặp diễn viên thật đã đóng vai Bác Hồ trong vở diễn “Đêm Trắng”. Đồng chí Vũ Kỳ khen: “Tiến Hợi đã thể hiện hình ảnh Bác Hồ rất thành công trong vai diễn, cháu đã thể hiện được tính cách, chiều sâu và giọng nói của Bác trong vai diễn của mình”.
Đến năm 1988, nghệ sỹ Tiến Hợi về công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội. Sau đó, anh tiếp tục tham gia đảm nhận vai Bác Hồ - Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Đây cũng là lần đầu tiên anh tham gia đóng phim về Bác.
Để đóng vai diễn này, anh phải về Huế để gặp gỡ những người đã được gặp Bác để tìm hiểu tình cảm của Bác đối với nhân dân, vai diễn phải mộc mạc, giản dị và phải toát lên tình cảm thân thương của Người đối với đất nước và người dân. Anh cũng là người trực tiếp lồng tiếng Bác Hồ cho nhân vật Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” được trình chiếu năm 1990.
Những thành công trong vai diễn Bác Hồ của nghệ sỹ Tiến Hợi cứ nối tiếp thành công. Tiếp đến là vai Bác Hồ trong bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 1946”. Bộ phim lấy bổi cảnh Bác Hồ trong giai đoạn lịch sử khi ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, lúc đó Bác Hồ 56 tuổi. “Bộ phim này phải thể hiện được tinh thần của Bác và đặc biệt là ánh mắt sáng của Bác. Bộ phim này đã đoạt giải Bông sen Bạc.
Trong suốt quá trình được tham gia, đảm nhận vai diễn về Bác Hồ, nghệ sỹ Tiến Hợi phải tự nghiên cứu, tìm hiểu về vai diễn của Bác trong từng bộ phim, thời kỳ, bởi hình ảnh của Bác đã ăn sâu vào tâm trí của người dân Việt. Để khán giả chấp nhận, ngay cả giọng nói của Bác từ phong thái, âm sắc phải thật chuẩn, điều đó đã thực sự là áp lực lớn của vai diễn đòi hỏi sự khổ luyện của người nghệ sỹ.
Năm 1988, khi diễn vở “Đêm trắng” tại Việt Trì, Vĩnh Phú, rất đông khán giả đã bật khóc khi thấy "Bác Hồ" - Tiến Hợi xuất hiện trên sân khấu.
Trong lúc đang diễn, có một cụ già chống gậy đứng dậy nói to: “Thưa Bác, cho cháu xin được gặp Bác”. Khi tôi xuống chỗ cụ già, cụ già đã quỳ lạy, rồi ôm tôi và khóc nói: “Lâu lắm rồi cháu không được gặp Bác”. Lúc đó cả sân khấu im lặng, cụ già nói tiếp: “Tôi trước đây khi còn ở Trung đoàn Sông Lô đã được gặp Bác, khi xem anh diễn tôi như được sống lại ngày Bác đến thăm trung đoàn Sông Lô”. Sau khi cụ già vừa dứt lời, tiếng vỗ tay của khán giả bắt rộn vang, lúc đó tôi cũng không kìm được những giọt nước mắt khi thấy sự khổ luyện của mình đã được khán giả ghi nhận.
Ngay cả đạo diễn Long Vân lần đầu tiên gặp anh đã phải thốt lên, thần thái và đôi mắt sáng của Tiến Hợi đã giúp cho Hợi thành công trong vai diễn về Bác Hồ.
Đáp lại sự khổ luyện của anh, những bộ phim, vở diễn anh đóng vai Bác Hồ đều đã đạt giải cao trong các cuộc thi, cá nhân anh đã được nhiều bằng khen của các bộ ngành, đơn vị. Gần đây nhất năm 2011, anh đã nhận được Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về cuộc Vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh.
Tối ngày 19-5, hình ảnh nghệ sỹ Tiến Hợi - "Bác Hồ" sẽ lại xuất hiện trên truyền hình khi về thăm khu ATK Thái nguyên cách đây 65 năm về trước.
Xuân Hải.