Gánh nợ khủng hàng chục ngàn tỷ của Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airways
Số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đến nay là 36.000 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng.
Đó là thông tin trong văn bản Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ đề xuất Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và hè năm nay đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu, các hãng càng suy kiệt.
Riêng tháng 5 và 6, doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày.
Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên 36.000 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines nợ 20.000 tỷ đồng.
Sân bay vắng lặng mùa dịch, Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airway vẫn tiêu tốn trăm tỷ mỗi ngày để duy trì |
Việc giãn cách xã hội khiến nhu cầu đi lại tiếp tục giảm. Trong khi đó, chi phí phòng dịch của các hãng hàng không và các doanh nghiệp dịch vụ hàng không tăng cao. Do khó khăn nên nhân sự của các hãng bị cắt giảm ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ thiếu nhân lực khi phục hồi.
VABA kiến nghị Chính phủ sớm triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vắc xin. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin. Từ đó, từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vắc xin đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Hiệp hội cũng kiến nghị mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không như gói tín dụng Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%;
Cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng tương tự như Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản;
Dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển. Đồng thời, cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Ngoài ra đại diện các hãng hàng không xin được áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 đồng/lít cho các hãng hàng không đến 30/6/2022.
Theo Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), sản lượng điều hành bay liên tục sụt giảm mạnh do đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam với diễn biến phức tạp khiến ngành hàng không trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng sản lượng tuần thứ 2 của tháng 5 đã giảm 50% so với tuần trước đó. Còn sản lượng điều hành bay quá cảnh 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt từ 73-91% so với kế hoạch, do vậy doanh thu từ điều hành bay và các chỉ tiêu đều sụt giảm theo.
VATM đánh giá sản lượng điều hành bay tháng 6 đầu năm 2021 ước đạt 178.365 lần chuyến, giảm gần 73.000 lần chuyến so 6 tháng đầu năm 2020, chỉ bằng 71,00 % so với thực hiện cùng kỳ năm 2020.
Tổng doanh thu ước đạt hơn 865 tỉ đồng, bằng 78,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 343 tỉ đồng.
N.K
Các hãng hàng không thế giới liệu có thể ‘sống’ đến năm 2024?
Hãng hàng không lớn nhất Trung Đông, Emirates đã phải chịu khoản lỗ kỷ lục 5,5 tỉ USD trong năm qua. Để cứu hãng hàng không này, chính phủ đã ngay lập tức đổ hơn 3 tỉ USD vào bù lỗ.