G7 sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý của Crimea
G7 - nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ cũng kêu gọi Nga chấm dứt mọi nỗ lực nhằm “sát nhập” Cộng hòa Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ nước này. Nếu Nga vẫn giữ nguyên lập trường, nhóm G7 sẽ “tăng cường hành động từ riêng lẻ tới tổng lực”.
Trong khi đó, ông Andriy Parubiy, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine cáo buộc Nga đang xây dựng một đơn vị quân đội quy mô lớn tại ngay biên giới của Ukraine.
Quân đội Nga vẫn duy trì sự hiện diện tại khu vực phía nam Ukraine thuộc Cộng hòa tự trị Crimea |
Theo ông Parubiy, Matxcova đã không rút binh sĩ sau các cuộc tập trận quân sự gần biên giới phía đông và nam nước này hồi tháng trước. “Từ Kiev, quân đội Nga chỉ mất 2 – 3 giờ hành quân”, ông Parubiy nói và khẳng định “các đơn vị Ukraine sẵn sàng chiến đấu trước mọi mũi tấn công”.
Do đó, ông Parubiy nhận định khu vực biên giới phía đông và nam Ukraine đang trong “tình trạng nguy kịch”. Ông này cáo buộc Nga đang cử “các phần tử âm mưu lật đổ chính quyền” tới vùng biên giới của Ukraine nhằm lấy cớ triển khai quân đội như từng làm ở Crimea.
Cũng theo ông Parubiy, vào ngày 13/3, quốc hội Kiev sẽ bỏ phiếu thông qua thành lập lực lượng Bảo vệ quốc gia gồm 20.000 binh sĩ được tuyển chọn từ các nhà hoạt động thân phương Tây và các học viện quân sự, nhằm tăng sức mạnh phòng thủ cho Ukraine.
Trong đó, lực lượng Bảo vệ quốc gia sẽ tham gia nhiệm vụ “bảo vệ biên giới quốc gia, an ninh công cộng và ngăn chặn hoạt động khủng bố”.
Hiện nay, nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang hối thúc Nga “từ bỏ mọi nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng tại Crimea”.
“Ngoài việc ảnh hưởng tới tính hợp nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, hành động sáp nhập Crimea có thể đe dọa tới trật tự pháp lý và bảo vệ tính thống nhất cũng như chủ quyền của mọi quốc gia khác”, Nhà Trắng cho biết.
Theo nhóm G7, cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sẽ vẫn là một phần của Ukraine hay sáp nhập vào Nga vào Chủ Nhật (16/3) là “không có hiệu lực pháp lý” và “vi phạm trực tiếp” quy định hiến pháp của Ukraine.
Giới lãnh đạo G7 tuyên bố Nga phải rút toàn bộ quân đội khỏi Crimea để giảm bớt tình hình căng thẳng và tiến hành đối thoại trực tiếp với chính phủ lâm thời Kiev.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đã nhận được lời yêu cầu của Tổng thống Barack Obama về việc tới London tham gia các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào thứ Sáu (14/3).
Trước đó, trả lời hãng tin AFP, Tổng thống lâm thời Ukraine Olexander Turchynov cho biết Nga vẫn từ chối “một giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột”.