G20 sẽ là "dấu chấm hết" cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ?
Theo tờ Guardian của Anh, hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 có thể là mốc son đánh dấu thời điểm "thoái vị" chính thức của Mỹ khỏi vị thế quốc gia quyền lực nhất thế giới.
Vai trò này sẽ chuyển giao cho một vị trí mới, nhưng có vẻ không ai trong số các lãnh đạo khác có thể làm được điều đó. Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình hay Angela Merkel đều có những bất ổn riêng và khó có thể ngồi vào chiếc ghế vô hình đầy thách thức đó.
Thủ tướng Angela Merkel trong vai trò lãnh đạo nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017. Ảnh:Anadolu Agency. |
Sự thất thế của Mỹ đến vào thời điểm không còn điều gì tồi tệ hơn có thể xảy ra. Có quá nhiều vấn đề cấp bách đang thách thức toàn thế giới: Biến đổi khí hậu, Triều Tiên, thương mại thế giới, Ukraine, khủng hoảng nhập cư và khủng hoảng vùng Vịnh, cuộc chiến ở Syria… Chưa kể, mỗi cá nhân trong bộ tứ tới hội nghị thượng đỉnh ở Hamburg với rất nhiều mục đích khác nhau.
Bà Merkel, giữ vai trò chủ nhà, có kế hoạch sẽ thúc đẩy sự chú tâm của thế giới vào vấn đề nhập cư trong bối cảnh người nhập cư trẻ từ châu Phi ngày càng gia tăng và bà không thể tìm ra phương án giải quyết tốt nhất.
Bà gặp ông Trump vào tối thứ Năm (6/7), nỗ lực nhắc ông về kế hoạch châu Phi của mình và thăm dò xem Tổng thống Mỹ có dễ dãi hơn so với lúc ở Hội nghị thượng đỉnh G7 không, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Bà Merkel không quan tâm đến việc trở thành một lãnh đạo của phương Tây tự do, gọi đó là danh hiệu “kỳ cục”, lựa chọn quan sát sự kiên định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm làm loãng ấn tượng về sự thống trị của Đức ở châu Âu. Bà hiểu rằng mình chỉ có thể đóng vai trò chủ nhà khi gặp Donald Trump. Người Đức tỏ ra không tin tưởng Trump. Trong một cuộc khảo sát của Pew về vai trò của Trump, 80% người Đức không tin tưởng vào khả năng lãnh đạo thế giới của ông.
Ông Trump vẫn tấn công thặng dư thương mại của Đức, chế giễu biến đổi khí hậu, hạn chế nhập khẩu thép từ Đức và nhấn mạnh chính trị toàn cầu là một trận đánh Darwin, trong đó mỗi quốc gia đều phải nghĩ đến lợi ích quốc gia đầu tiên.
Tờ Guardian bình luận, Tổng thống Mỹ thậm chí còn tự làm hỏng hình ảnh của nước Mỹ. “Nước Mỹ có nhiều thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Tại sao chúng ta lại tiếp tục những thỏa thuận này với các quốc gia chẳng giúp đỡ gì cho chúng ta cả”, ông viết trên tài khoản Twitter của mình hôm thứ Tư (5/7).
Bà Merkel khá bình tĩnh khi đưa ra phản ứng, cho biết: “Bất cứ ai nghĩ rằng các vấn đề của thế giới có thể được giải quyết bằng chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập đang tạo ra sai lầm khủng khiếp”. Bà Merkel chứng minh cho lời nói của mình bằng cách nêu tên thỏa thuận tự do thương mại giữa Nhật Bản và EU – một dấu hiệu cho thấy thế giới tự do thương mại sẽ vẫn giữ vững niềm tin, và nếu cần thiết, sẽ phát triển mà không cần Mỹ.
Bà cũng dự định nhấn mạnh tuyên bố của mình rằng phần còn lại của thế giới sẽ quyết tâm hơn bao giờ hết thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thành công, bất chấp sự rút lui của nước Mỹ.
Donald Trump tỏ ra không bận tâm với những câu chuyện như vậy. Sự tập trung của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ dành cho cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin vào ngày 7/7. Ông Malcolm Rifkind, cựu Ngoại trưởng Anh nhận định: “Sẽ là vấn đề lớn khi ông Putin không thể lường được cách ông Trump sẽ cư xử… Đó là vì chính bản thân ông Trump cũng chẳng biết phải cư xử như thế nào”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Ông Trump sẽ không thảo luận về Ukraine. Đối với Syria, khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo thất bại, số phận của Tổng thống Bashar al-Assad cũng không phải là vấn đề ông Trump quan tâm.
Nhưng với bất kỳ sự nhượng bộ nào trước Moscow cũng sẽ bị nhận diện trong bối cảnh sự bất lực kỳ lạ của ông Trump trước cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Từng chiến thắng vì những chính sách đối với Nga, cuộc tranh cãi đã khiến ông trở nên bối rối khi thi hành chính sách Moscow của mình.
Ông Putin muốn nhìn thấy tín hiệu công nhận vai trò trên chính trường thế giới của mình từ Donald Trump. Ông cũng muốn Tổng thống Trump nói với quốc hội Mỹ mình không hài lòng trước việc mở rộng trừng phạt chống lại Nga.
Tuy nhiên, cuộc gặp Trump – Putin có thể không phải là sự kiện được trông chờ nhất ở Hamburg. Sau công bố của Triều Tiên hôm thứ Ba (4/7) về vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thành công, cuộc thảo luận giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẻ sẽ lạnh lùng hơn cả cuộc gặp của họ hồi tháng Tư.
Sự tin tưởng Trung Quốc sẽ đối phó Triều Tiên đã tan biến trước buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh. Donald Trump sẽ gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trump chắc chắn sẽ bộc lộ sự thất vọng của mình trước sự từ chối cắt giảm nguồn cung năng lượng cho Hàn Quốc của Trung Quốc, một động thái mà Bắc Kinh lo sợ sẽ tiến tới một cuộc di cư hàng loạt. Nếu có một giải pháp đơn giản, nó phải được thực hiện ngay từ bây giờ.
Theo Guardian, đối với ông Tập Cận Bình, ông không đến Đức chỉ để hành động như một nhà quan sát. Ông sẽ nhấn mạnh vai trò như là một đồng minh của bà Merkel, đồng ý với bà về thương mại tự do và biến đổi khí hậu. Ông cũng sẽ yêu cầu Mỹ kiềm chế về vấn đề Triều Tiên và tin tưởng Washington sẽ không hành động mà không có sự đồng ý của mình.