G20 ngày cuối: Mỹ vẫn một mình một lối
Hãng CBC News của Canada hôm thứ Bảy (8/7) đưa tin, các quan chức tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cho biết các nhà lãnh đạo đã không đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu – một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Bà Angela Merkel và ông Donald Trump trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức của Liên minh châu Âu đã gửi tới phóng viên bản dự thảo cuối cùng về những cam kết chung cùng nhau chống lại sự thay đổi khí hậu. Trong đó có một đoạn riêng biệt "ghi nhận" về quyết định rút lui của Mỹ.
Một đoạn văn khác trong bản dự thảo khẳng định 19 thành viên khác đã đồng thuận ủng hộ Hiệp định Paris. Các quan chức giấu tên chia sẻ bản dự thảo cũng đã tranh luận về quan điểm của Mỹ, trong đó đề xuất giúp các quốc gia khác sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách sạch sẽ hơn. Và điều này đã bị phản đối.
Về vấn đề thương mại, các quan chức EU chia sẻ, các nhà lãnh đạo G20 đã đồng ý tiếp tục mở cửa thị trường cho thương mại quốc tế. Nhưng bản dự thảo của G20 cũng đề xuất thương mại cần phải đi cùng lợi ích và các nước có thể thực hiện các bước để bảo vệ thị trường của họ.
Các điều khoản nói về thương mại tiếp tục truyền thống lên án chủ nghĩa bảo hộ hoặc kiềm chế các đối thủ cạnh tranh nước ngoài bằng thuế hoặc các chính sách bất công của G20. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên đã đồng ý chống lại “tất cả các hành vi thương mại bất công” và công nhận “các công cụ bảo vệ thương mại hợp pháp”.
Dự thảo đã được tiết lộ thông qua một số quan chức giấu tên bởi đây vẫn là dự thảo và các nhà lãnh đạo chưa đặt bút ký.
Thương mại trở thành vấn đề nóng trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này ở Hamburg, Đức khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình. Ông Trump tập trung vào việc làm cho thương mại công bằng và tự do, chỉ trích các mối quan hệ thương mại trong đó các nước khác bán nhiều hơn là mua của nước Mỹ.
Trước đó, vào ngày thứ Sáu (7/7), Thủ tướng nước chủ nhà Đức, bà Angela Merkel chia sẻ ngày làm việc đầu tiên đã rất khó khăn vì các cuộc thảo luận về thương mại khá căng thẳng và sự khác biệt rõ ràng trong quan điểm về vấn đề biến đổi khí hậu.
G20 gồm các nước Argentina, Australia, Brazil, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Ả-rập Xê-út, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Các quốc gia khách mời là Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Guinea, Senegal, Singapore và Việt Nam cũng tham dự.
Cuộc họp ngày thứ Bảy (8/7) đã diễn ra sau một đêm hỗn loạn ở Hamburg, khi những kẻ nổi loạn dựng rào chắn đường phố, cướp bóc các siêu thị và tấn công cảnh sát bằng súng điện. Hàng trăm sĩ quan đã phải len lỏi quanh các tòa nhà trong khu phố Schanzenviertel để bắt giữ những kẻ gây rối.