EVN bị cảnh báo hệ lụy do không minh bạch giá điện
Giá điện Việt Nam đang quá rẻ?
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn, khoảng 929.700 tỷ đồng (tương đương 48,8 tỷ USD), tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua việc thu xếp vốn cho các doanh nghiệp (DN) điện tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Tài chính của EVN "sáng", giá điện minh bạch thì tức khắc các nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào dự án điện |
Nguyên nhân cốt lõi khiến các dự án điện luôn chậm trễ và lao đao, theo ông ông Cát Quang Dương – Vụ phó Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), là vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi dài nên tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư (NĐT) không có. Trong khi đó vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vụ thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng 20-30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện, còn lại chủ yếu là vốn vay.
Ngoài ra, giá điện hiện nay chưa hấp dẫn với các NĐT ngành điện. Tỷ suất lợi nhuận thấp dẫn đến khả năng trả nợ gốc và lãi không cao, hoặc TCTD phải cho vay với thời gian quá dài, tiềm ẩn rủi ro.
Tuy nhiên, ở góc nhìn của mình ông Bùi Văn Thạch – Phó trưởng ban Kinh tế trung ương lại cho rằng, vốn ngành điện không hề thiếu. Cái thiếu ở đây chính là cơ chế bởi vì hiện nay, các doanh nghiệp đang bán giá điện quá thấp so với giá thành.
Dẫn chứng cho phát biểu của mình ông Thạch cho hay, giá bán điện bình quân tại Việt Nam vào khoảng 7 cent/kwh trong khi các nước trong khu vực là 11-12 cent/kwh. Thậm chí là 17-22 cent/kwh như ở Campuchia, giá điện được bán theo thị trường, thu nhu cầu và nguồn phát.
"Với giá thành cao hơn khoảng 10% so với giá bán điện thì ngành điện thiếu vốn để đầu tư là đương nhiên. Chúng ta không thể bao cấp mãi, không thể để giá điện thấp quá như vậy được. Thấp như thế thử hỏi ai muốn đầu tư, ai muốn cho vay để xây dựng dự án điện" – ông Thạch phân tích.
Phó trưởng ban Kinh tế trung ương kể lại câu chuyện khi tiếp xúc với một số nhà đầu tư Nhật: "Tôi tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, họ nói rất quan tâm tới thị trường điện Việt Nam nhưng không muốn đầu tư, bởi đã nhìn chắc lỗ. Thử hỏi, nhìn thấy lỗ rõ mười mươi thế thì làm sao nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền vào". Vì thế, ông cho rằng, "Chúng ta phải tạo tâm lý cho xã hội, là đã sử dụng điện là phải sử dụng theo giá bán cao hơn giá thành, không thể sử dụng mãi giá thấp thế này. Chúng ta quen trạng thái được bao cấp rồi, nên chỉ cần tăng giá một chút là “cả xã hội nhao nhao lên”.
EVN phải minh bạch giá điện
Ông Nguyễn Văn Thạo – trợ lý Chủ tịch nước bay tỏ, điều khiến ông băn khoăn là, người trong ngành điện mỗi khi nhắc tới giá điện thì rất bức xúc và kêu ca "giá điện bán thấp hơn giá thành", nhưng nhìn dưới con mắt người tiêu dùng thì bức xúc của họ đối với giá điện chính là thiếu sự công khai, minh bạch.
"Trước khi anh mời NĐT rót tiền, phải nhìn lại xem mình sử dụng đồng vốn đã hiệu quả chưa, an toàn chưa. Nếu bản thân anh sử dụng vốn kém hiệu quả, lãng phí, cộng với dự án kinh doanh không hiệu quả thì việc NĐT không vào là đương nhiên"- ông nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam quả quyết, ngành điện muốn thu xếp vốn cho các dự án thì trước nhất bức tranh tài chính của EVN phải "sáng" thì mới có thể tạo được niềm tin cho người "đổ vốn".
"Dù trong hoàn cảnh khó khăn, làm ăn lỗ nhưng năm qua EVN vẫn thu xếp được hơn 100.000 tỷ đồng cho cho các dự án là sự nỗ lực lớn. Nhưng để có thêm nguồn vốn từ bên ngoài EVN phải minh bạch công khai giá thành. Tìm mọi cách để giảm giá thành, giảm chi phí trong sản xuất các nhà máy điện, giảm tổn thất trên lưới truyền tải và phân phối điện"- ông Ngãi nói.
Muốn có giá điện hợp lý, theo ông Ngãi nên rút ngắn lộ trình phát triển thị trường điện theo 3 cấp khoảng 2-3 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra.
Mặt khác, Nhà nước cần ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch để tạo diều kiện tốt cho hoạt động của các thị trường điện. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
"Những dự án đầu tư xây dựng cơ bản nào kém hiệu quả, dàn trải thì "nên dẹp hết" để dồn sức, dồn vốn cho ngành điện" –ông Ngãi nói.