EU trông chờ Thổ Nhĩ Kỹ ngăn cơn nhập cư
Khủng hoảng nhập cư đang làm "tan nát"EU. |
Khi Balkans quyết định đóng cửa biên giới
Trong giai đoạn nửa đầu năm 2015, các quốc gia Balkans trở thành tuyến đường trung chuyển chính để người nhập cư từ châu Á và châu Phi vào các nước châu Âu.
Ban đầu, phần lớn người nhập cư sẽ từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đi đến các hòn đảo của Hy Lạp trên biển Aegean. Sau đó, những người này sẽ được đưa đến đất liền Hy Lạp để di chuyển đến phía Bắc và đi vào nước Đức và các nước khu vực Bắc Âu- các quốc gia được người nhập cư ưa chuộng hơn cả.
Ban đầu, người châu Âu tỏ ra “hiếu khách” trước các vị khách không mời từ châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, do ngày càng có nhiều vị khách không mời này và đã gây ra một số hệ lụy không nhỏ nên thái độ của người dân châu Âu đối với người nhập cư đã thay đổi đáng kể.
Đối với Đức, do chính sách cửa mở mà Thủ tướng Angela Merkel áp dụng đối với người nhập cư nên dù đã siết chặt một số quy định đối với việc tiếp nhận người nhập cư thì Đức, ở mức độ nào đó, vẫn được cho là có thái độ tốt đối với người nhập cư.
Tuy nhiên, các nước Balkans, khu vực được coi là “điểm giao”, lại đang áp dụng các biện pháp hết sức cứng rắn đối với vấn đề người nhập cư.
Các biện pháp cứng rắn được các nước Balkans áp dụng với người nhập cư có thể kể đến như thiết lập hàng rào và đóng cửa biên giới. Trong tháng 2/2016, quan hệ giữa Đức với Áo đã trở nên căng thẳng đáng kể sau khi Áo quyết định siết chặt kiểm soát khu vực biên giới phía Nam để không cho người nhập cư đi qua lãnh thổ của mình.
Vienna “không thèm đếm xỉa” đến các phản ứng của phía Đức. Thủ tướng Áo Faymann thậm chí còn tuyên bố thẳng thừng rằng Áo “không có ý định trở thành phòng chờ cho Đức”, đồng thời “khuyến nghị” người Đức rằng nếu Đức là quốc gia “tốt đẹp và quan tâm đến người khác” thì hãy tự thu nạp người nhập cư đến từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Macedonia cũng đã đóng cửa biên giới với Hy Lạp để ngăn chặn dòng người nhập cư đến từ Afghanistan. Cảnh sát Macedonia đã thắt chặt kiểm soát ở khu vực biên giới, dẫn đến đụng độ với người nhập cư.
Để mạnh tay trấn áp, cảnh sát nước này còn sử dụng hơi chay, dùi cui để trấn áp dòng người nhập cư này. Hành động của Macedonia đã dẫn đến tình trạng dòng người nhập cư bị ùn ứ ở Hy Lạp và có thể sẽ dẫn đến thảm họa nhân đạo khi đã có đến hơn 30 nghìn người nhập cư từ Afghanistan bị ùn ứ.
Athens dự tính rằng số người ùn ứ ở Hy Lạp trong 2-3 tuần nữa có thể lên đến 70 nghìn người.
Đứng trước tình trạng này, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã phải lên tiếng đề nghị trợ giúp khẩn cấp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố rằng EU sẽ thành lập một quỹ để trợ giúp Hy Lạp khoản tiền 700 triệu Euro để giải quyết vấn đề.
Cho dù khoản tiền này chưa đủ để giải quyết vấn đề nhưng đây cũng là hành động trợ giúp khá nhiều cho chính sách của bà Merkel.
Nỗ lực của giới lãnh đạo EU chưa đem lại kết quả. |
Nỗ lực của giới lãnh đạo EU chưa đem lại kết quả
Trong ngày thứ Sáu (4/3) vừa qua, Thủ tướng Đức đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Pháp Hollande. Lãnh đạo hai nước đã trao đổi các biện pháp để đảm bảo hoạt động của khu vực tự do đi lại Schengen.
Theo tuyên bố của Tổng thống Pháp Hollande, các bên sẽ nỗ lực để đảm bảo khối Schengen vẫn hoạt động bình thường. Theo ông Hollande, biên giới trong nội bộ EU sẽ luôn mở và chỉ đóng cửa biên giới bên ngoài để “ngăn chặn các vị khách không mong muốn”.
Tổng thống Pháp Hollande cũng cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có 8 trong số 26 quốc gia thành viên Schengen hủy bỏ các trạm kiểm soát ở khu vực biên giới.
Hiện tại, Chính phủ Đức đang đặt hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư vào vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Bà A.Merkel trong tháng 11/2015 đã nêu lên ý tưởng sẽ thúc đẩy hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Theo ý tưởng được đưa ra, châu Âu sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khoản kinh phí lên đến 3 tỷ Euro để cải thiện chất lượng cuộc sống cho 2,5 triệu người tị nạn Syria tại các trại tập trung ở Thổ Nhĩ Kỳ để họ từ bỏ ý định đi đến châu Âu và ở lại Thổ Nhĩ Kỳ, chờ đợi sau khi chiến tranh kết thúc sẽ quay trở lại Syria.
Các cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra hết sức khó khăn. Theo ác phương tiện truyền thông, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chi tổng cộng 8-9 tỷ USD nên đòi Brussels khoản hỗ trợ lên đến 30 tỷ USD.
Sau quá trình đàm phán kéo dài, số tiền hỗ trợ được chốt lại là 3 tỷ Euro nhưng sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng yêu cầu EU hỗ trợ 5 tỷ Euro.
Tuy nhiên, dù EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư nhưng hai tháng sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, tình hình khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không có bất cứ sự thay đổi nào.
Dòng người nhập cư trong tháng 1/2016 không gia tăng nhưng điều đó không phải là do các nỗ lực của phía Thổ Nhĩ Kỳ mà là do thời tiết quá lạnh. Sau khi thời tiết ấm lên, nhiều khả năng dòng người nhập cư vào châu Âu qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục gia tăng.
Cuối tháng 2/2016, trung bình một ngày có đến 3 nghìn người đi đến đảo Lesbos và các đảo lân cận của Hy Lạp để thực hiện hành trình như trên. Số lượng người nhập cư dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng vì Thổ Nhĩ Kỳ chưa có động thái thực hiện các thỏa thuận đã đạt được với EU.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Thổ Nhĩ Kỳ chưa thực hiện các hành động ngăn chặn người nhập cư là do các bên vẫn còn tranh cãi xung quanh thời hạn Thổ Nhĩ Kỳ nhận được tiền của EU.
Nhiều quốc gia châu Âu cho rằng EU chỉ nên cấp tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này thực hiện các cam kết của mình. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn nhận được tiền rồi mới thực hiện các cam kết theo thỏa thuận đã đạt được.
Trong tuần vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thực hiện chuyến công du đến Áo và 4 nước Balkans khác để thuyết phục các nước này có quan điểm mềm mỏng hơn đối với người nhập cư và mở cửa biên giới của mình.
Bên cạnh đó, Donald Tusk cũng gặp gỡ với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu để thuyết phục nước này có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được với EU hồi tháng 11/2015.
Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông, mục đích của Donald Tusk đã không đạt được vì chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ đưa ra những lời hứa chung chung.
Giới phân tích nhận định rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ không quyết tâm thực hiện các thỏa thuận đã đạt được với EU cùng với việc các quốc gia Balkans kiên quyết đóng cửa biên giới, cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu sẽ càng trở nên căng thẳng hơn và nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo đang hiện hữu ngày càng rõ nét.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.