EU sẽ tạo cơ chế đặc biệt “qua mặt” các biện pháp trừng phạt của Mỹ
EU sẽ tạo cơ chế đặc biệt “qua mặt” các biện pháp trừng phạt của Mỹ |
Liên minh châu Âu sẽ thành lập một cơ chế tài chính dành riêng cho việc giao thương với Iran, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Đây là nội dung được nêu trong tuyên bố chung của Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, EU và Iran sau Hội nghị Bộ trưởng bên lề Liên Hợp Quốc.
"Những người tham gia hoan nghênh các đề xuất chiến thuật cho việc duy trì và bảo tồn các kênh thanh toán, đặc biệt là sáng kiến thành lập một cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện thanh toán liên quan tới hoạt động xuất khẩu của Iran, kể cả xuất khẩu dầu, và hoạt động nhập khẩu", đây là nội dung trong tuyên bố được trình bày bởi đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu Federica Mogherini và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Zarif.
Như bà Magerini giải thích, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạo ra một thực thể pháp lý để đảm bảo giao dịch với Iran. "Điều này sẽ cho phép các công ty châu Âu làm việc với Iran theo pháp luật châu Âu", bà nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng cơ chế mới sẽ được mở cho cả các bên khác.
Những người tham gia cũng tán thành việc tạo ra những phương thức thanh toán an toàn và hợp pháp với Iran, cũng như duy trì hoạt động xuất khẩu dầu, khí ngưng tụ và các sản phẩm dầu mỏ của Iran.
Ngoài ra, các bộ trưởng ngoại giao tham gia cuộc họp đã xác nhận sự cần thiết phải bảo vệ các công ty tiến hành làm ăn kinh doanh với Iran. "Những người tham gia thừa nhận rằng Iran vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nghĩa vụ hạt nhân của họ (theo thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015), như khẳng định từ 12 báo cáo của IAEA", bà Federica Mogherini cho biết, đồng thời lưu ý rằng các quốc gia sẽ tiếp tục hỗ trợ việc hiện đại hóa lò phản ứng Arak và chuyển đổi tại cơ sở hạt nhân Fordow.
Iran và Nhóm P5+1 - trung gian quốc tế gồm (Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Đức) trong tháng 7/2015 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về việc giải quyết các vấn đề dài hạn liên quan đến hồ sơ hạt nhân Iran: thông qua một kế hoạch hành động toàn diện chung, theo đó loại bỏ Iran ra khỏi lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính từ phía Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.
Hồi tháng 5 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận với Iran và khôi phục tất cả các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả lệnh trừng phạt thứ cấp, liên quan đến các nước khác có hoạt động kinh doanh với Tehran. Các thành viên của nhóm P5+1 đã lên tiếng chỉ trích Washington. Các quốc gia còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đang phát triển các biện pháp để bảo vệ các công ty trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các hoạt động hợp tác với Iran.
Hoa Kỳ hồi tháng 7 và 8 vừa rồi đã khôi phục một phần của các lệnh trừng phạt, bên cạnh đó các hạn chế đáng kể hơn đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sẽ có hiệu lực vào ngày 5/11 tới. EU không công nhận các biện pháp trừng phạt này và không cho phép các công ty châu Âu tuân thủ các quy định nói trên, tuy nhiên doanh nghiệp châu Âu trên thực tế vẫn mất dần tương tác với Iran.