EU đang “dung túng” cho chế độ Erdogan?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Đức Merkel (bên phải) |
Nhận định trên do tờ Der Spiegel của Đức đưa ra trong bài phân tích với tiêu đề: “Châu Âu đã xuất hiện người bạn mới tốt nhất mang tên Recep Tayyip Erdogan”.
“Chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người chiến thắng trong Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào tuần trước. Đây là tin tồi tệ và khiến nhiều người quan ngại”- bài báo nhấn mạnh.
“Ông ta (Erdogan) rõ ràng là đang nhận được tất cả những gì mình mong muốn, từ hàng tỷ Euro để giải quyết vấn đề nhập cư, các cuộc đàm phán để gia nhập EU cho đến khả năng EU thực hiện quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Và trên tất cả, EU đang từ chối chỉ trích các hành động phi dân chủ của ông Erdogan”- bài báo bình luận.
Ngoài ra, tờ Der Spiegel còn nhấn mạnh đến sự kiện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “có những hành xử độc đoán” đối với tờ báo Zaman của phe đối lập chỉ một vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chỉ trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ vài ngày, Erdogan đã công khai “tung một cú đánh” mới vào tự do báo chí. Dường như ông ta muốn chứng minh cho châu Âu thấy rằng ông ta có thể cho phép mình làm tất cả những gì mình muốn”- Der Spiegel bổ sung.
Theo Der Spiegel, điều đáng tiếc nhất là “cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, cả Cao ủy châu Âu về đối ngoại và chính sách an ninh Federica Mogherini, cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đều không dám đứng ra chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Erdogan”.
Tờ báo này cũng nhận định rằng nếu châu Âu vẫn tiếp tục thực hiện một chính sách “ngưỡng mộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ” như hiện nay thì niềm tin đối với châu Âu sẽ dần cạn kiệt.
Bên cạnh đó, Der Spiegel cũng lên tiếng chỉ trích “hợp đồng” giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ (về việc EU trợ giúp tài chính để Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ vào châu Âu.
“Những hợp đồng “khó nhằn” kiểu này được coi là chính sách thực tế nhưng hậu quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở khía cạnh đạo đức mà sẽ cả ở khía cạnh thực tế. Châu Âu đang mở rộng đường cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi Hiến pháp và làm suy yếu các thể chế dân chủ.
Recep Tayyip Erdogan cũng đang thực hiện chính sách hết sức hiếu chiến với cộng đồng người Kurd và chính sách này đang làm mất ổn định tình hình Thổ Nhĩ Kỳ và bối cảnh khu vực”- Der Spiegel đánh giá.
Bài báo của Der Spiegel cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng việc được đáp ứng hầu hết các yêu cầu đặt ra sẽ khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “nhanh chóng đưa ra những yêu sách mới” đối với châu Âu.
Hơn nữa, không ai có thể đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện những cam kết, trách nhiệm của mình theo nội dung thỏa thuận đã ký kết với châu Âu vì việc trục xuất số lượng lớn người nhập cư lại đi ngược với tinh thần của Công ước Geneva. Chính vì vậy, theo Der Spiegel, Erdogan dường như sẽ có cái cớ để “thoái thác” trách nhiệm của mình.
Der Spiegel còn lên tiếng phê phán cách hành xử của giới lãnh đạo châu Âu khi tiến hành thỏa thuận “hợp đồng” với Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là bên “nài nỉ”.
“Thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm giảm tạm thời sức ép lên các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Âu, ví dụ như cho bà Angela Merkel, người đang chịu sức ép khá lớn ở trong nước. Tuy nhiên, thật đáng xấu hổ khi EU hành xử như kẻ đi “van nài”.
Người châu Âu đang dần trở nên phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ do không thể nào đạt được sự thống nhất trong quá trình tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề nhập cư”- Der Spiegel nhấn mạnh.
Đối với cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như EU đồng ý thực hiện quy chế miễn thị thực cho công dân nước này thì điều này cũng đồng nghĩa với việc giành được “thành công lớn trong chính sách đối ngoại”.
Der Spiegel khẳng định rằng “EU không thể tặng cho Recep Tayyip Erdogan chiến thắng này và EU phải đưa ra được những yêu cầu khắt khe hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, trong đó có yêu cầu chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ luật tự do báo chí và những quyền cơ bản của con người”- Der Spiegel kết luận.
Giới phân tích nhận định rằng những đánh giá của Der Spiegel về việc EU dường như đang “dung túng” tính độc đoán của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là hoàn toàn có cơ sở.
Điển hình nhất cho kiểu “được voi, đòi tiên” của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với EU là việc nước này liên tục yêu cầu EU tăng gói hỗ trợ tài chính cho nước này để thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ sang châu Âu.
Theo thỏa thuận ban đầu, EU sẽ cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ Euro để chi cho các hoạt động, biện pháp giữ chân dòng người di cư bất hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ, chờ cho đến khi chiến sự tại Syria được giải quyết xong để đưa số người này quay trở lại Syria.
Sau khi thỏa thuận xong, Thổ Nhĩ Kỳ lại yêu cầu EU nâng mức hỗ trợ lên 5 tỷ Euro và tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ mới được tổ chức, Thổ Nhĩ Kỳ lại yêu cầu EU nâng con số này lên mức 20 tỷ Euro.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.