EU đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ là “vô đạo đức”?
Nghị sĩ Đức Sevim Dagdelen cho biết, việc Liên minh Châu Âu (EU) đang thực hiện đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để nước này hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tị nạn ở châu Âu là dấu hiệu cho thấy sự đi xuống về đạo đức của EU.
EU đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đi ngược với những giá trị vốn có của liên minh? |
Để được sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, EU bỏ qua việc nước này đang bị cáo buộc hậu thuẫn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Hơn nữa, EU sẵn sàng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ được gia nhập EU khi một số thông tin cho rằng nước này đang mua dầu của tổ chức khủng bố.
“Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu đi xuống về đạo đức của EU. Liên minh đã đánh mất giá trị của mình và do đó cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ không còn mang ý nghĩa như nó vốn có. Việc ném trách nhiệm đối với người tị nạn cho Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động đáng xấu hổ”, bà Dagdelen nói.
“Hiểm họa khủng bố trên thế giới càng trở nên lớn hơn, chủ yếu là bởi các cuộc không kích tại Libya, Iraq và Afghanistan trong vòng 15 năm qua. Chúng được thực hiện với mục đích chống khủng bố, nhưng lại khiến tình trạng khủng bố trở nên trầm trọng hơn. Giờ đây nó đã lan sang châu Âu”, bà giải thích.
Nhiều quan chức châu Âu đã bày tỏ sự lo ngại về những yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ để nước này hỗ trợ giảm bớt khủng hoảng. Cụ thể, Ankara mong muốn được gỡ bỏ rào cản visa và được công nhận là một phần trong khu vực Schengen, một điều mà các quan chức ngoại giao châu Âu tin là sẽ không thể thành hiện thực.
Ông Manfred Weber, lãnh đạo của đảng Nhân dân Châu Âu trả lời báo Financial Times rằng việc gỡ bỏ thủ tục visa cho Thổ Nhĩ Kỳ “vẫn còn nhiều trở ngại”, bao gồm vấn đề an ninh, khả năng bảo vệ thông tin mật của nước này.
Brussels khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải đảm bảo đạt đủ 72 tiêu chí, bao gồm những vấn đề chính trị nhạy cảm, bao gồm sửa đổi luật pháp về khủng bố cũng như công nhận chính phủ đảo Cyprus, từ lâu có quan hệ không tốt với Thổ Nhĩ Kỳ.Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.