EU đã tìm ra cách thức đáp trả Mỹ nếu đơn phương cấm vận chống Nga
EU đã tìm ra cách thức đáp trả Mỹ nếu đơn phương cấm vận chống Nga |
Thông tin trên được RiaNovosti đưa ra từ nguồn tin giấu tên là một quan chức ngoại giao cấp cao trong nội bộ Brussels cung cấp.
Phương án khác được tính đến là EU sẽ coi các lệnh cấm vận mới chống Nga của Mỹ là không có hiệu lực trên lãnh thổ EU. Dự kiến vấn đề này sẽ được hội đồng cao ủy châu Âu thảo luận trong phiên họp ngày 26/7.
Trước đó, tạp chí của Mỹ là Financial Times đã đưa ra thông tin cho rằng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker đã lên tiếng kêu gọi các thành viên EU nahnh chóng thảo luận các biện pháp đáp trả nếu như Mỹ thông qua các lệnh cấm vận mới chống Nga mà không tính đến các lợi ích của châu Âu. Theo Financial Times, Brussels dự định sẽ yêu cầu Washington “có các tuyên bố công khai hoặc bằng văn bản cụ thể về việc các lệnh cấm vận này sẽ không ảnh hưởng đến các lợi ích của châu Âu”.
Được biết, Hạ viện Mỹ ngày 25/7 tổ chức bỏ phiếu về bản dự thảo áp đặt các lệnh cấm vận mới chống Nga. Trước đó, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã tuyên bố rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chỉ quyết định về việc có ủng hộ dự thảo này hay không sau khi có các đảm bảo đầy đủ rằng các lệnh cấm vận này sẽ đem lại lợi ích cho người dân Mỹ.
Bản dự thảo được công bố ngày 22/7 đưa ra các nội dung về việc giảm tối đa thời hạn cung cấp tài chính theo tiêu chí thị trường của các ngân hàng Nga đang nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ xuống tối đa còn 14 ngày. Thời hạn này là 30 ngày đối với các công ty trong mảng dầu khí của Nga.
Văn bản này cũng đề nghị Tổng thống Mỹ có thể áp dụng các lệnh cấm vận chống các nhân vật có dự định đầu tư vào việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt để xuất khẩu của Nga với số vốn đầu tư hơn 5 triệu USD/năm hoặc 1 triệu USD một lúc, cũng như các công ty có dự định cung cấp các loại dịch vụ, công nghệ và hỗ trợ thông tin cho các dự án dầu khí của Nga.
Văn bản này cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục phản đối việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” để đưa khí đốt của Nga sang châu Âu. Lý do được đưa ra là dự án này “tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng của châu Âu, sự phát triển thị trường khí đốt Trung, Đông Âu và các cuộc cải cách năng lượng ở Ukraine”.
Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác của văn bản này là tạo cho Quốc hội Mỹ có khả năng ngăn cản Tổng thống Donald Trump tiến hành các sửa đổi đối với chính sách cấm vận của Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ quan ngại rằng Tổng thống Donald Trump sau này có thể dỡ bỏ các lệnh cấm vận chống Nga.
Tuy nhiên, một số công ty của Mỹ đã nhanh chóng bày tỏ sự phản đối đối với dự thảo cấm vận này. Các đại diện giới dầu khí Mỹ cảnh báo rằng, các lệnh cấm vận mới chống Nga có thể “đam lại các hậu quả xấu chưa từng có”, trong đó có việc tác động tiêu cực lên khả năng tạo ra việc làm mới ở Mỹ và các dự án dầu khí trên toàn thế giới”.