EU chấp nhận thỏa thuận Brexit, nguyên thủ Châu Âu "cảm xúc lẫn lộn"
Trong khi nguyên thủ các nước EU đã gọi đây là một “ngày buồn” trong lịch sử của liên minh, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định rằng bà “trần đây sự lạc quan”.
Thủ tướng Anh Theresa May bắt tay Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. |
Chưa đầy một giờ sau khi các thành viên liên minh tập trung tại thủ đô Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã viết trên trang Twitter của mình rằng họ đã chấp thuận “Thỏa thuận Tách rời và Tuyên bố Chính trị về tương lai quan hệ EU - Anh”.
Đây là một chiến thắng nhỏ đối với bà May, tuy nhiên bà vẫn phải thuyết phục các nghị sĩ Anh để bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận của bà.
Trong bối cảnh các đảng đối lập cùng với một số thành viên Đảng Bảo thủ Anh của bà và Đảng Dân chủ Liên hiệp Bắc Ailen (DUP) (hai đảng hiện làm nên chính phủ thiểu số ở Anh), đều khẳng định họ sẽ phản đối thỏa thuận này, cơ hội để nó được ký kết ở Anh vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Ngay sau khi các nguyên thủ EU chấp nhận thỏa thuận, lãnh đạo DUP Arlene Foster nhấn mạnh rằng đảng của bà “sẽ không thể ủng hộ” thỏa thuận trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
Trong trường hợp phần lớn các nghị sĩ Anh chấp nhận thỏa thuận, điều đang rất khó xảy ra, thỏa thuận sẽ được trình lên Nghị viện Châu Âu. Tuy nhiên nếu Anh bãi bỏ thỏa thuận này, tiến trình Brexit có thể xảy ra theo nhiều hướng khác nhau, trong đó có việc Anh rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào, hoặc một cuộc trưng cầu dân ý mới có thể được tổ chức và chấm dứt Brexit.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lo lắng trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu. |
Thất bại của thỏa thuận cũng khiến tương lai của bà May trên cương vị Thủ tướng gặp nguy hiểm. Tuy nhiên khi được hỏi về việc bà có ý định từ chức hay không nếu thỏa thuận không được quốc hội Anh chấp thuận, bà May cho biết “vấn đề không nằm ở tôi”.
“Trong vài tuần tới tôi sẽ tập trung để khiến thỏa thuận này được ký kết”, bà nói. “Nếu có người tin rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục đàm phán lần nữa thì người đó đã lầm”.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng kêu gọi Quốc hội Anh bỏ phiếu chấp nhận thỏa thuận, dự kiến sẽ có hiệu lực trước thềm giáng sinh. Ông đã nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng “đây là điều tốt nhất có thể dành cho Anh, tốt nhất dành cho Châu Âu… đây là thỏa thuận duy nhất mà hai bên có thể có”.
Ông Juncker cũng nói rằng ngày 25/11 là “một ngày buồn”. “Việc phải chứng kiến một quốc gia như Anh rời EU là điều không làm bất kỳ ai vui, nó là một khoảnh khắc buồn và là một bị kịch”, ông nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có phát biểu tương tự, khi nói với báo giới rằng Anh rời EU là “đáng buồn” nhưng việc hai bên đã đạt được một thỏa thuận là “rất tốt”. “Tôi cảm thấy buồn, nhưng cũng cảm thấy an tâm khi chúng tôi có thể đạt được những gì hiện có”, bà Merkel nhận định.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay Brexit cho thấy “Liên minh Châu Âu của chúng ta đang có sự yếu ớt” và “tình trạng này luôn có thể được cải thiện”.
Ông Juncker nắm tay Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Khi được hỏi liệu bà có cảm thấy buồn như các lãnh đạo EU hay không, bà May cho biết: “Không, nhưng tôi nhận thấy rằng một số nguyên thủ Châu Âu cảm thấy buồn và một vài người ở Anh cũng cảm thấy tương tự”.
Trong bức thư gửi người dân được công bố trước đó, bà May viết, “đây là thỏa thuận nhằm mang lại tương lai tươi sáng” cho Anh. Nếu không có gì thay đổi, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 năm tới, và bà May cho biết đây sẽ là “thời khắc chuyển mình đối với toàn đất nước”.