Erdogan và Putin “xí xóa” bất đồng, cùng giải quyết khủng hoảng Syria
Trong cuộc họp báo chung giữa lãnh đạo hai nước, ông Putin cho biết “Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua những thời khắc khó khăn, song chúng tôi muốn xóa bỏ rạn nứt vì lợi ích của người dân hai quốc gia”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay thân mật với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố St. Petersburg (Nga). |
“Chúng tôi muốn khôi phục quan hệ không phải vì mục đích thực dụng, mà là vì lợi ích lâu dài và để củng cố tình đoàn kết giữa hai nước láng giềng”, ông Putin nói thêm.
Mặc dù ông Erdogan từ lâu có quan điểm rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức để lập lại hòa bình ở Syria, song những kết quả tích cực trong chiến dịch quân sự của Nga tại nước này có thể sẽ khiến lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại.
Chuyến thăm của ông Erdogan tới Nga là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau âm mưu đảo chính ngày 15/7, và được coi là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cùng Liên minh Châu Âu (EU) đã bị rạn nứt đáng kể. Trước đó, Ankara tỏ ra giận dữ khi các nước phương Tây tập trung chỉ trích chính quyền đã tiến hành bắt giữ hàng loạt sĩ quan quân đội, viên chức và nhà báo.
Cuộc gặp gỡ tại St. Petersburg giữa hai nguyên thủ quốc gia là một động thái khiến nhiều người ngạc nhiên khi chỉ vài tháng trước, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rất căng thẳng. Thế nhưng trong bối cảnh Nga và các nước phương Tây cũng đang quay lưng lại với nhau sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga cũng như cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, hai bên đều muốn cho thấy rằng họ vẫn có những đồng minh đáng tin cậy.
Căng thẳng xảy ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một máy bay chiến đấu của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, khiến một phi công thiệt mạng do bị quân nổi dậy bắn từ dưới đất. Tổng thống Putin yêu cầu Ankara phải xin lỗi, song ông Erdogan một mực từ chối.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã dần cảm thấy bị cô lập trên trường quốc tế, và mới đây đã tiếp cận Israel, trước đây là một trong những đối tác thương mại và chính trị quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga. Ông Erdogan đã gửi thư xin lỗi về vụ bắn rơi phi cơ chiến đấu của Nga và hứa sẽ trừng trị đích đáng những người liên quan đến vụ việc.
Sau đó, quan hệ hợp tác kinh tế và quân sự giữa hai bên đã dần được khôi phục trở lại. Trong cuộc gặp mặt lần này, Tổng thống hai nước đã thống nhất đầu tư vào dự án nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ và dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, giúp nước này trở thành trạm trung chuyển khí đốt chính giữa Nga và Châu Âu.
Âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được đẩy mạnh, bản thân Tổng thống Putin cũng thể hiện sự hòa hảo với ông Erdogan. “Chúng tôi nhận được sự ủng hộ vô điều kiện từ Nga, trong khi các nước khác vẫn im lặng”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình địa phương.
Ngoài ra, nguyên thủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn xóa nhòa những bất đồng của mình về vấn đề Syria. Cả hai bên đều có thể thực hiện những bước đi cần thiết. Ông Erdogan có thể sẽ yêu cầu Nga ngừng hỗ trợ quân người Kurd ở Syria và giảm các hoạt động không kích tại các khu vực giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, khiến nhiều người phải tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đổi lại, Moscow muốn Ankara phải thắt chặt kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới với Syria để ngăn chặn những phần tử muốn gia nhập các tổ chức khủng bố. Nga đặc biệt quan tâm đến các nhóm vũ trang có thể gây áp lực đối với Damascus hoặc tấn công các khu vực quanh thành phố Latakia, nơi có căn cứ không quân của Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ báo New York Times của Mỹ, hãng thông tấn Russia Today (RT) và Sputnik của Nga.