Ế điện gió, giám đốc than khổ, lo không trả được nợ ngân hàng
Ảnh minh họa |
Ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cho biết, sau 10 năm, dự án Phú Lạc 24 MW(Tuy Phong, Bình Thuận) đi vào vận hành, đây là dự án đầu tiên trong chuỗi dự án gồm điện gió, điện mặt trời của công ty tại đây.
“Năm 2018, tính sẵn sàng của tua-bin là 99,9%, hệ số công suất 37%. Sau 10 năm lãnh đạo công ty, năm 2018 là năm đầu tiên công ty chúng tôi có lãi. Đối với chúng tôi đây là điều rất vui. Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang, nỗi lo của chúng tôi là quá tải lưới điện. Hiện nay đã có 15 dự án đấu vào đường dây. Tổng công suất của các dự án vượt qua 500 MW, để thấy quá tải đến mức như thế nào. Ngày chủ nhật vừa rồi chúng tôi phải cắt giảm công suất 70%, ngày hôm nay và ngày mai cắt giảm công suất 46,6%”, ông Thịnh cho hay.
“Tính toán của chúng tôi đảo lộn hết tất cả, không ai biết thất thoát bao nhiêu. Nếu cứ cắt giảm tiếp như thế này không biết chúng tôi có trả nợ được ngân hàng hay không”, ông nói.
Theo ông Thịnh, nguyên nhân là thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch nguồn và lưới, thiếu đồng bộ trong thực thi. Trong khi nguồn phát được tư nhân đầu tư và thực hiện rất nhanh thì lưới điện không kịp đáp ứng. Chính vì thế, ông Thịnh đề xuất phải phải nâng cấp lưới điện, có lưới điện thông minh.
Ông Đặng Quốc Toản, Tổng giám đốc công ty năng lượng Châu Á cũng cho rằng cái khó nhất hiện nay chính là hệ thống truyền tải điện: “Điện gió cần ưu tiên hơn nữa vì điện gió là tiềm năng to lớn của chúng ta, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay chính là hệ thống truyền tải điện, cơ sở hạ tầng truyền tải điện còn yếu, nó giống như hệ thống đường sá, ô tô quá nhiều thì bắt buộc phải mở rộng đường. Lưới điện cũng như vậy, phải đầu tư nhanh chóng, nếu thiếu vốn thì cả Nhà nước và doanh nghiệp phải bắt tay cùng làm”.
“Trong những năm tới, nguy cơ hiện hữu thiếu điện vì với tăng trưởng GDP nhanh, tiêu thụ điện tăng. Bộ Công Thương cần có nghiên cứu tầm nhìn xa cho ngành năng lượng Việt Nam nói chung, đầu tư nhanh lưới điện”, ông Toàn nhấn mạnh.
Ông Ben Backwell, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) cho rằng muốn hiện thực hóa những mục tiêu phát triển điện gió ở Việt Nam cần một lộ trình và kế hoạch phát triển dài hạn.Ông tin Chính phủ Việt Nam sẽ có những bước đi hỗ trợ cho ngành này.
"Chính phủ có thể cho tư nhân tham gia vào hoạt động truyền tải điện. Như ở Châu Âu, Anh có các hoạt động liên quan đến kết nối, hay Brazil có quy định khi xây nhà máy điện gió thì tiến hành xây lưới điện luôn. Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và cho phép tư nhân tham gia nhiều hơn", ông Ben Backwell kiến nghị.
Nói về giá năng lượng tái tạo hiện nay, ông cho rằng giá năng lượng tái tạo có thể cao nhưng đang có xu hướng giảm dần. Ngược lại, giá năng lượng than, khí lại có xu hướng tăng. Trong tương lai, khoảng 5 năm nữa người ta sẽ ngần ngại hơn trong việc đầu tư vào than. Mặt khác các nhà đầu tư sẽ lựa chọn đầu tư vào những quốc gia có nguồn năng lượng sạch, có trách nhiệm xã hội.
Theo ông Ben Backwell, ngành điện gió tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, chưa có chuỗi cung ứng bản địa, vì vậy giá thành bị đội lên cao. Tuy nhiên tiềm năng phát triển của ngành điện gió Việt Nam trong tương lai là rất cao, khi sản lượng tăng sẽ kéo giá thành giảm xuống. Giá điện gió sẽ không phải là 8 cent mà có thể xuống 4 cent, 2 cent. Như ở Brazil có dự án chỉ có 2,2 cent, Mexico 1,7 cent.
"Ngay cả những nước châu Âu, giai đoạn khởi đầu triển khai điện gió chi phí cũng rất đắt đỏ, khi sản lượng tăng lên đạt 2 GW, 3 GW đã giảm được giá thành, đồng thời sự xuất hiện của chuỗi cung ứng càng thúc đẩy giá thành giảm nhanh hơn. Chính vì vậy, Việt Nam cần có một tầm nhìn dài hạn, tăng cường thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, tạo điều kiện tối ưu cho điện gió phát triển hiệu quả", ông Ben Backwell cho hay.
Theo báo cáo của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng nhất về điện gió, với công suất dự kiến 800 MW vào năm 2020 và 6 GW vào năm 2030. Việc phát triển điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung là giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh cung ứng điện của Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2019, mới chỉ có 7 nhà máy điện gió được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 331 MW.Một trong những rào cản phát triển điện gió tại Việt Nam là chi phí tốn kém và hệ thống lưới điện truyền tải. |