Đứt duyên
Giá như anh chị tôi có được cái nhìn, cách nghĩ rộng thoáng thì giờ này hẳn Lam đã có thể vui vầy bên chồng con như các bạn của nó rồi.
Mỗi lần gặp lại Lam, con gái đầu của bà chị, lòng tôi lại se sắt buồn. Lam nay đã ngoài 40, người ục ịch nặng nề còn nhan sắc xuống cấp nhanh quá. Tôi là dì ruột nhìn nó còn thấy chán huống chi ai. Dù vậy, vẻ ngoài của Lam vẫn không đáng ngại bằng chính tâm hồn cháu tôi - một tư thế buông bỏ, trôi xuôi hết thảy.
Nhớ lại tuổi đôi mươi, Lam không nổi trội nhưng cũng dễ nhìn, lại thêm dáng vóc thon thả, ăn nói nhẹ nhàng nên cũng được đôi ba chàng trai để ý và nó yêu một trong số đó. Anh này đẹp trai, dân biển, nhà nghèo và bị anh chị tôi cấm cửa.
Lý do đưa ra cứ gọi là nhẹ như không: “Đẹp trai hay xấu không quan trọng, nhưng hai khoản còn lại là mất điểm rồi. Mất đứt. Nên không chấp nhận gả. Thế thôi!”. Mẹ tôi ngày ấy đã ở tuổi 80 nhưng lại nghĩ rất thoáng.
Mẹ góp ý: “Dân biển cũng có kẻ này người khác chứ có phải ai cũng uống rượu, bài bạc và đánh đập vợ con. Còn cái sự nghèo giàu là do mình. Cứ chịu thương chịu khó, ham làm, tằn tiện căn cơ thì chẳng mấy chốc giàu. Chứ ỷ giàu mà lười chảy thây rồi vung vãi thì của cải mấy nả?”.
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Tôi hiểu mẹ nói những lời ấy là cho tất cả các con trong nhà. Trong việc trăm năm của các cháu tôi, mà chuyện của Lam là một, không chỉ mẹ, anh tôi cũng vào cuộc với nhiều lần góp ý.
Anh tôi bảo: “Có vội gì đâu nào. Thì cô chú cũng phải cho thằng đấy tới nhà chuyện trò, tìm hiểu. Đây gạt phắt đi vì những phán đoán nông nổi của mình. Tôi thấy tội cho chúng nó”.
Chị gái và anh rể của tôi vốn có lối nhìn cạn cợt, cách nghĩ hẹp hòi trong mọi việc chứ nào chỉ chuyện hôn nhân của con cái nên chuyện cả hai chẳng thèm nghe ai là điều tất nhiên. Dẫu biết thế, dì Út của Lam là tôi đây vì thương cháu mà không thể quay lưng làm lơ.
Tôi đã gặp người yêu của Lam mấy lần và rất có cảm tình. Đó là một chàng trai hiền lành, tốt bụng, có cái thô ráp thiệt tình của ngư dân miền Trung. Chẳng hiểu sao tôi rất tin vào linh cảm của mình nên đã cố tính mọi cách để thuyết phục anh chị. Vậy mà mọi việc tôi làm, mọi lời tôi nói đều… gửi gió theo mây.
Chia tay cuộc tình, Lam rời thành phố này, vào Sài Gòn xin làm công nhân. Tôi cứ thương mãi những giọt nước mắt nhiều tức tưởi của cháu hôm đi và câu nói: “Bố mẹ biết không, bố mẹ đã làm đứt duyên của con rồi đấy!”.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến bà nội của tôi. Bà tôi hóm lắm, hóm nhất trong số các cụ già hóm mà tôi được biết. Không rõ cơ sự gì mà bà tôi lại đi phân loại tình duyên. Nào là vô duyên, kém duyên, đứt duyên, hết duyên, cắt duyên.
Cháu tôi đã tự nhận mình bị đứt duyên nhưng có ai ngờ nó liên tục đứt duyên đâu chứ! Mà có phải bởi những nguyên nhân to tát gì cho cam. Toàn những việc vớ vẩn từ chính những phán đoán, nhận xét hết sức lệch lạc của bố mẹ cháu.
Tôi cũng chẳng rõ anh chị tôi giàu có đến đâu, sang trọng quyền quý cỡ nào mà đứa con trai nào đến với Lam cũng bị cấm cửa. Đứa thì dân biển, nghèo. Đứa thì con nhà nông, khổ. Đứa thì kiếp ngụ cư đến cái nhà bằng lỗ mũi chui ra chui vào còn không có…
Nghĩa là bản thân và gia cảnh không tương xứng thế nên anh chị mạnh mẽ và dứt khoát ngăn cản chuyện hôn nhân của con.
Đã nhiều năm dõi theo cảnh cô đơn và cuộc sống nhạt nhẽo buồn tẻ của cháu mình, tôi vẫn cho rằng trong chuyện “đứt duyên” này, Lam có góp phần. Cháu tôi đã không hề quyết tâm, không chút bản lĩnh để bảo vệ tình yêu.
Phải là tôi thì đừng hòng… Nhưng… đáng tiếc thật! Giá như anh chị tôi có được cái nhìn, cách nghĩ rộng thoáng thì giờ này hẳn Lam đã có thể vui vầy bên chồng con như các bạn của nó rồi. Có đâu…
Theo phunuonline.com.vn