Đường "tàn phá" sức khỏe bạn như thế nào?
Ảnh minh họa. |
Mất tập trung nếu thiếu vị gì ngọt ngọt
Chị Hoàng Thanh Huyền – Hà Nội kể chị nghiền bánh ngọt và nếu sáng nào không có miếng bánh ngọt ăn chị không làm được việc vì cảm giác lúc nào cũng thiếu tập trung.
Mặc dù biết ăn nhiều bánh ngọt không tốt. Nhưng cơ địa chậm tăng cân nên chị Huyền vẫn chiều sở thích ăn ngọt của mình. Chị kể có hôm kiên quyết không ăn kẹo, bánh ngọt thì đến 10h đầu óc đơ đơ không tập trung nổi nên lại tranh thủ ăn cái kẹo, bánh ngọt.
Chị là tín đồ của các loại bánh ngọt và bánh kem. Lúc nào buồn miệng, chị Huyền cũng có thể ăn hết cả chiếc bánh gato size 16 cm. Điều này khiến nhiều người gọi chị là Huyền gato. Thực chất do chị thích ăn gato và hầu như tuần nào cũng phải làm cái bánh gato tự thưởng cho mình.
Không riêng gì bánh ngọt, uống gì chị cũng cho tý đường vào cho vị ngọt ngào. Uống trà không có đường chị chỉ cảm nhận được vị chát.
Gần đây, chị Huyền thấy mệt đi kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ cho biết chị bị mỡ máu cao và rối loạn mỡ máu nên yêu cầu ăn tránh đồ chiên rán, thực phẩm nhiều đường. Khi đó, chị Huyền mới biết gày vẫn có thể bị rối loạn mỡ máu bình thường.
Các chuyên gia cho rằng đường được xem là sát thủ của sức khỏe vì nó ảnh hưởng rất nhiều tới các bộ phận của cơ thể. Tổ chức Y Thế giới cảnh báo, tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đã ở mức báo động. Các khuyến nghị về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm cũng đã được đưa ra.
Đường có nhiều ảnh hưởng lâu dài đối với cơ thể, bao gồm làm tăng nguy cơ viêm mãn tính, béo phì, tiểu đường và sâu răng. Sucrose và fructose có thể dẫn đến sự hình thành mảng bám trên răng khiến vi khuẩn trong miệng phát triển và ăn mòn men răng.
Đồ uống có đường chứa rất nhiều calo nhưng không cho cảm giác no. Sự gia tăng đột ngột về lượng calo này có thể dẫn đến tăng cân. Thay vào đó, nguồn năng lượng từ thực phẩm làm cho ta cảm thấy no hơn và hạn chế việc ăn quá nhiều.
Đường hại như thế nào?
BS.TS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ đường ai cũng nghĩ ngọt ngào nhưng thực chất nếu chúng ta lạm dụng đường lại ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.
BS.TS Hưng cho hay: chúng ta cần hiểu đúng về đường, đường tồn tại trong 2 dạng chính: đường có trong các thực phẩm tự nhiên (hoa quả: fructose; sữa: lactose) và đường được thêm vào trong bánh, kẹo và các thực phẩm chế biến như nước ngọt, bánh nướng, bánh ngọt, …Trong khuôn khổ bài này bác sĩ nhấn mạnh đề cập đến những nguy cơ khi sử dụng đường được thêm vào.
Ở Việt Nam nhu cầu ăn đường rất cao. Ngay cả thực phẩm bánh kẹo, sữa cũng ngọt hơn những nơi khác. Theo báo cáo tại Hội nghị về các giải pháp hạn chế đồ uống có đường ở Việt Nam do Cục Y tế dự Phòng, Bộ Y tế tổ chức, các thông tin về việc sử dụng đường của người Việt khiến nhiều người giật mình.
Trung bình người Việt tiêu thụ 46,5 gram đường tự do mỗi ngày gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Một học sinh trung học năng lượng 2300 kcalo/ngày lượng đường cần nạp 25 g/ngày nhưng nếu chỉ uống ly nước ngọt thì đã nạp 36 gram đường vào cơ thể.
Bác sĩ Hưng chia sẻ nếu lạm dụng đường có thể tăng cân, tích mỡ bụng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa đường và việc tăng tích mỡ bụng. Đây là mỡ xấu và là thủ phạm chính gây ra bệnh tim mạch.
Ước tính Việt Nam có khoảng 25% người trưởng thành bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, bệnh tim mạch gây tử vong lên tới 33 %. Trong các con số đó đều có sự góp mặt của lạm dụng đường.
Theo BS. TS Hưng, những người sử dụng nhiều đường không những có nguy cơ thừa cân-béo phì, gia tăng mắc các bệnh đái tháo đường type 2, bệnh lý tim mạch, mà còn có mối liên quan trực tiếp giữa ung thư tụy, ung thư đại trực tràng với việc tiêu thụ đường. Điều này có khả năng là do thực tế Insulin là một trong những yếu tố quan trọng đứng đằng sau sự tăng trưởng và phân chia tế bào. Đường làm tăng vọt Insulin lên mức cao bất thường.
Ngoài ra, đường có thể làm hỏng răng. Một nghiên cứu của tạp chí dinh dưỡng lâm sàng của Mỹ cho thấy đường tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong khoang miệng. Điều này có thể gây ra sâu răng, hỏng men răng.
Đường cũng không có nhiều giá trị dinh dưỡng thực sự, không có chất dinh dưỡng, không có khoáng chất, không có protein và không có chất xơ chúng ta hay gọi là đường rỗng.
Điều đặc biệt, hiện nay những đối tượng tiêu thụ nhiều đường nhất chính là trẻ em và thanh thiếu niên. Trong khi đây là nhóm đối tượng cần hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng nhất thì việc ăn nhiều đường lại cản trở quá trình hấp thu các dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Cơ thể có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ các dưỡng chất như vitamin A, vitamin C, vitamin B12, canxi, photpho, magie, sắt…
Để hạn chế đường, cách tốt nhất là giảm các loại thực phẩm chứa đường tự do như: Bánh kẹo ngọt, socola, nước giải khát, nước trái cây đóng hộp.... Thay thế những thực phẩm đang dùng bằng các lựa chọn thay thế lành mạnh như: Uống nước lọc thay vì nước giải khát; Bổ sung hoa quả tươi thay vì nước ép trái cây đóng hộp...Người tiêu dùng cần có thói quen kiểm tra nhãn sản phẩm về hàm lượng đường ghi trên nhãn.