Đường Pháp Vân Cầu Giẽ vẫn thu phí dù hết hợp đồng, vì sao?
Hết hạn lại gia hạn
Trạm thu phí Nam cầu Giẽ đặt tại Km216+500 QL1A, trên địa bàn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, được nhà nước cho áp dụng thực hiện chính sách xã hội hoá, bán quyền thu phí có thời hạn. Công ty TNHH Hải Châu là đơn vị trúng thầu nhận quyền thu phí tại trạm này
Ngày 16/6/2007, Hợp đồng kinh tế số 24/HĐKT-VEC-2007 chuyển giao quyền thu phí đường bộ có thời hạn gói thầu số 2, Trạm thu phí Nam cầu Giẽ, giữa Công ty TNHH Hải Châu (Hải Châu) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính thức được kí kết với thời gian chuyển giao quyền thu phí là 5 năm (60 tháng) tính từ 0h ngày 1/7/2007; giá trị hợp đồng là 239.135 triệu đồng.
Như vậy, đến 24 giờ ngày 30/6/2012 Hợp đồng kinh tế số 24/HĐKT-VEC-2007 hết hiệu lực. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 7 tháng hết hạn hợp đồng, Trạm thu phí Nam cầu Giẽ vẫn hoạt động bình thường.
Trạm thu phí Nam cầu Giẽ hết hạn từ 01/7/2012 nhưng lại được .. gia hạn (ảnh Internet) |
Theo lý giải của VEC, sau cả tháng trời đặt lịch làm việc, Hợp đồng kinh tế số 24/HĐKT-VEC-2007 có điều khoản quy định có thể điều chỉnh lại thời gian nhượng quyền thu phí nếu như có những quyết định của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng của nhà đầu tư. Thực tế đã có 03 yếu tố làm ảnh hưởng đến doanh thu của nhà đầu tư: Dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã thông xe và tiến hành khai thác làm chia sẻ lưu lượng qua trạm Nam cầu Giẽ, Nhà nước tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và trận lụt lịch sử năm 2008.
Trên cơ sở đề xuất của Hải Châu và VEC (Văn bản số 1784/VEC-TCKT ngày 04/7/2012), ngày 01/8/2012 và ngày 03/9/2012 Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, VEC, công ty Hải Châu tổ chức họp về việc điều chỉnh thời gian chuyển giao quyền thu phí trạm Nam cầu Giẽ.
Ngày 10/9/2012, Bộ GTVT đã ban hành Thông báo số 525/TB-BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tại các cuộc họp trên, theo đó Bộ GTVT thống nhất cho VEC lập phương án điều chỉnh thời gian thu phí. VEC và công ty Hải Châu đã thương thảo, thống nhất đề xuất phương án điều chỉnh thời gian thu phí theo các nguyên tắc quy định trong hợp đồng trình Bộ GTVT xem xét, chấp thuận
Ngoài ra, Thông báo 525/TB-BGTVT cũng yêu cầu Tổng cục ĐBVN tiến hành ký hợp đồng BOT về mở rộng cải tạo trạm thu phí Nam cầu Giẽ giữa Hải Châu và Tổng cục ĐBVN, theo đó công ty Hải Châu sẽ tiếp tục thu phí trạm Nam cầu Giẽ sau khi kết thúc hợp đồng nhượng quyền thu phí với VEC.
Xe ít vẫn “dịch vụ hóa” thu phí
Dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC làm chủ đầu tư, được đưa vào khai thác và sử dụng từ ngày 30/6/2012. Việc quản lý, khai thác Dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình do Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), đơn vị thành viên của VEC, triển khai thực hiện.
Đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình mặc dù tiết kiệm thời gian nhưng cũng có những thời điểm ít phương tiện đi lại |
Mặc dù, lưu lượng ô tô tham gia giao thông trên đường cầu Giẽ - Ninh Bình khá thấp, do mức phí cao hơn nhiều so với thông thường, nhưng việc thu phí trên tuyến đường này lại đang được VEC “dịch vụ hóa”.
Về vấn đề này, VEC cho rằng: Để có cái nhìn khách quan hơn về công tác thu phí và có kinh nghiệm cho việc thu phí sau này đối với các đường cao tốc của VEC. Sau khi tham khảo các mức thu phí, cách thức thu phí các đường cao tốc trên thế giới. VEC đã đề xuất Bộ GTVT cho áp dụng mô hình xã hội hóa dịch vụ thu phí trong thời gian 01 năm. Như vậy trong quá trình quản lý thu phí sẽ tránh được các tiêu cực (vì có đơn vị thực hiện thu phí và có đơn vị khác thực hiện việc kiểm tra hậu kiểm) và phù hợp với mô hình của 1 số nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc …
Cũng theo VEC, chủ trương ký hợp đồng dịch vụ thu phí Dự án xây dựng đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã được Bộ GTVT đồng ý, hiện tại VEC đang trong quá trình đàm phán hợp đồng.
Như vậy, việc Hải Châu tiếp tục thu phí tại Trạm thu phí Nam cầu Giẽ và VEC “dịch vụ hóa” thu phí trên đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình là do Bộ GTVT cho phép. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực, chủ phương tiện giao thông đã và sẽ phải đóng phí “sử dụng đường” thì việc tiếp tục thu phí tại Trạm Nam cầu Giẽ có “phí chồng phí” và việc “dịch vụ hóa” thu phí trên đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình có tránh được tiêu cực, giảm chi phí, không phải gia hạn thời gian thu phí để hoàn vốn BOT cho chủ đầu tư?
Xin nói thêm rằng, ngày 30/6/2012 đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình mới thông xe, đây cũng là ngày Hải Châu hết hạn hợp đồng thu phí tại Trạm thu phí Nam cầu Giẽ. Vậy, yếu tố ‘Dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã thông xe và tiến hành khai thác nhằm chia sẻ lưu lượng qua Trạm Nam cầu Giẽ’đưa ra để kéo dài thời hạn thu phí tại đây có hợp lý?!