Đừng vô cảm với người tai nạn trên đường, nếu sợ hãy gọi cấp cứu!
Nhiều người qua lại nhưng bỏ không cứu nạn nhân |
Theo hình ảnh clip dài khoảng 11 phút về vụ tai nạn thương tâm được trích xuất từ camera gắn cố định, vụ tai nạn bất ngờ xảy ra vào lúc khoảng 3 giờ 12 phút ngày 25/6 tại khu vực giao lộ đường Tân Hương - Võ Công Tồn (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM), giữa xe taxi (do 1 người nam điều khiển) và 1 xe máy (một người nam điều khiển, chở sau xe là một cô gái trẻ) cuối cùng cô gái tử vong, nam giới đi cùng cô vẫn đang được cấp cứu ở Bệnh viện.
Trong vòng khoảng 11 phút mà clip ghi lại, có 5 ô tô con (kể cả 1 chiếc taxi liên quan trực tiếp vụ tai nạn), 1 chiếc xe tải, hơn 32 chiếc xe máy, 1 chiếc xe đạp đi qua vị trí cô gái trẻ nằm bất động... Rất nhiều người đi qua nhưng không dừng lại, có người dừng lại rồi lại bỏ đi. Sự việc đang gây nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.
Bác sĩ Lê Ngọc Dũng – Đồng Tháp chia sẻ, sau khi xem clip ông thấy thật đáng thương cho cô gái nằm đến chết tại chỗ, thay vì lẽ ra nếu đưa đến bệnh viện ngay có thể cứu được. Cái xót xa của đoạn video này là sự vô tâm của người qua đường, làm mất đi những giây phút vàng có thể cứu được người.
Bác sĩ Dũng cho rằng, thời nay đã không còn "Lục Vân Tiên" như trước. Có lẽ những người qua đường không cứu giúp người bị nạn vì những nguyên nhân như:
Thứ nhất: Sợ bị dàn cảnh để cướp giật. Chính bọn bất lương dàn cảnh để cướp của những người lương thiện khi họ dùng xe để cứu giúp ai đó, đã làm cho con người cảnh giác và nghi ngờ mọi thứ. Tốt nhất là để cho kẻ khác làm, còn mình cứ việc đường mình mình đi.
Thứ hai: Sợ mất thời gian khi dừng lại cứu giúp ai đó vì chắc chắn việc can thiệp này sẽ làm trễ nãi công việc mình đang làm.
Thứ ba: Sợ bị dính máu, bụi đất làm hỏng xe, hỏng quần áo khi ôm, đỡ nạn nhân , chở đi trên xe của mình.
Thứ tư: Sợ bị lôi thôi, liên can đến pháp luật. Sợ bị người nhà nạn nhân hành hung vì lầm tưởng mình là kẻ gây tai nạn, sợ bị những nạn nhân vô đạo đức níu lưng đòi bồi thường dù mình vô can.
Vô số cái sợ mà đa số là do đạo đức xã hội ngày nay xuống cấp và pháp luật suy đồi làm cho những "Lục Vân Tiên" ngày nay biến mất dần.
Bác sĩ Dũng cho rằng khi gặp người tai nạn đừng vì cái sợ mà bỏ quên nạn nhân. Bởi vì chắc chắn nếu ai đó còn tình người sẽ thấy trong lòng mình cắn rứt khi bỏ măc người hoạn nạn trên đường. Do đó tùy theo khả năng của mình chúng ta có thể can thiệp.
Báo ngay cho các số điện thoại khẩn cấp sau:
- 112 là đầu số yêu cầu trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc.
-113 là đầu số gọi công an hoặc cảnh sát khi có việc liên quan đến an ninh trật tự
-114 là đầu số gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn
-115 là đầu số gọi cấp cứu về y tế.
Bác sĩ Dũng cho biết, ở nước ngoài người ta không yêu cầu công dân can thiệp vào những tình huống trên đường mà nên gọi ngay đến các số khẩn cấp để cho người chuyên môn đến can thiệp. Đôi khi sự can thiệp sai có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân hay cho chính người ra tay giúp đỡ. Vì chuyển bệnh nhân không đúng cách có thể làm trầm trọng tổn thương nạn nhân, nhảy vào đỡ người bị điện giật thì bị điện giật, lao xuống nước cứu người đuối nước có thể chết đuối theo nạn nhân....
Trường hợp quá khẩn cấp, nếu không giúp đỡ ngay có thể gây ra những thiệt hại không thể đảo ngược thì phải liều can thiệp ngay dù biết có thể thiệt hại cho mình: đuối nước, cháy, ngạt thở do bị nghẹt đường hô hấp. Điều này không khuyến khích mà tùy theo khả năng của mình.
Các trường hợp khác, nếu có thể được trước khi can thiệp, có thể dùng điện thoại quay phim chụp hình hiện trường trước khi cứu chữa để làm chứng cớ với pháp luật nhưng phải nhanh chóng và tuyệt đối không nên dùng để livestream trên mạng mà bỏ qua nạn nhân. Nên nhớ các hình ảnh, dấu vết hiện trường vừa giúp ta chứng minh mình vô can , vừa giúp chính quyền truy tìm thủ phạm gây tai nạn.