Dùng 'hết võ', tình báo Mỹ vẫn mù tịt về Triều Tiên
Năng lực hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa với an ninh nước Mỹ |
Trong khi tổng thống Mỹ - Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc - Park Geun-hye nhóm họp lần đầu tiên tại Nhà Trắng vào hôm nay (7/5), các quan chức tình báo và chuyên gia quốc tế cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ cần tập trung giải quyết những vấn đề chưa sáng tỏ trước đối thủ đáng gờm – Triều Tiên.
Ngay cả khi Mỹ có thể triển khai các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái với độ chính xác cao nhắm tới Pakistan hay thực hiện các cuộc tấn công mạng gây giám đoạn hoạt động hệ thống máy li tâm hạt nhân nằm sâu dưới vùng sa mạc Iran, nhưng Mỹ cần hiểu rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng hệ thống tên lửa của quốc gia này thực tế nguy hiểm hơn rất nhiều so với dự đoán.
Một trong những lỗi mới nhất mà giới tình báo CIA vấp phải khi cho rằng nhà lãnh đạo trẻ - Kim Jong-un quan tâm tới chương trình cải cách kinh tế hơn là theo đuổi chính sách "ưu tiên quân sự", tăng cường khả năng tấn công hạt nhân và tên lửa, sẵn sàng nghênh chiến với kẻ thù bên ngoài mà 2 cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành đã làm.
Thực tế, Triều Tiên đang che giấu tiềm năng quân sự và các loại vũ khí của quốc gia cô lập vẫn đang trên đường phát triển. Gần 3 tháng sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng 2 khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng, Mỹ vẫn canh cánh câu hỏi chưa có lời giải đáp: Liệu Triều Tiên đang trên đường làm giàu uranium và nhanh chóng sở hữu tên lửa hạt nhân?
Ngoài ra, một loạt hệ thống tên lửa di động mới được Triều Tiên phơi bày và sau đó biến mất khỏi tầm ngắm của các vệ tinh tình báo, càng làm dấy lên mối lo ngại khi cho rằng tiềm lực tên lửa của Bình Nhưỡng có thể vươn tới đảo Guam hay khu Bờ Tây nước Mỹ.
Tuy nhiên, hôm 6/5, giới chức Mỹ cho biết 2 hệ thống tên lửa có khả năng được sử dụng trong vụ phóng sắp tới đã được Bình Nhưỡng di dời khỏi các bãi phóng – dấu hiệu cho thấy Triều Tiên muốn xoa dịu tình hình căng thẳng quân sự hiện nay.
Mới đây, Cơ quan Tình báo Quốc phòng – đơn vị tình báo của Lầu Năm Góc thông báo rằng Triều Tiên hiện có thể tích hợp một đầu đạn hạt nhân trên hệ thống tên lửa. Thông tin này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận và thậm chí cả tổng thống Obama và giám đốc tình báo quốc gia Mỹ.
"Chúng tôi thiếu sự thống nhất đồng bộ trong những đánh giá về nhiều lĩnh vực tại Triều Tiên. Song chắc chắn, Triều Tiên đang sở hữu năng lực hạt nhân", giám đốc tình báo quốc gia Mỹ - James R. Clapper Jr phát biểu trước Quốc hội.
Tuy nhiên, mối quan ngại hàng đầu hiện nay chính là việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tiếp tục theo đuổi chính sách thù địch. Điển hình, năm 2010, Triều Tiên bị cáo buộc là thủ phạm gây ra vụ đắm một tàu hải quân của Hàn Quốc và mới đây thực hiện cuộc tấn công mạng trên diện rộng nhắm tới hệ thống ngân hàng và truyền thông của quốc gia láng giềng.
Câu hỏi đặt ra là vì sao sau 63 năm kết thúc cuộc chiến liên Triều (1950 -1953), khả năng thu thập thông tin về Triều Tiên của Mỹ vẫn vô cùng khiêm tốn. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại đang từng bước nâng cao năng lực thu thập thông tin về Hàn Quốc điển hình là vụ bắt giữ một công dân Triều Tiên tại Seoul do bị nghi ngờ làm gián điệp cho Hàn Quốc.
Triều Tiên được đánh giá là mục tiêu tấn công cứng đầu nhất trên thế giới. Một quan chức tình báo Mỹ nhận định từ trước tới nay, Triều Tiên là một trong những quốc gia có khả năng "giám sát điệp viên khắt khe nhất thế giới và nhanh chóng phát hiện bắt giam mục tiêu".
Do đó, các cơ quan tình báo Hàn Quốc đã gặp vô vàn nhiều khó khăn trong việc gài nhân viên thâm nhập vào Triều Tiên. Không một ai có thể nhập cảnh vào Triều Tiên mà không rõ lai lịch bởi quốc gia cô lập xây dựng vô số các trạm kiểm soát song lại chỉ có số ít ô tô di chuyển trong nội địa cùng mạng lưới thông tin dày đặc trong nhân dân. Ngoài ra, giới chức cấp cao Triều Tiên cũng rất hiếm khi công du nước ngoài. Thậm chí, mạng lưới điện thoại di động cũng bị hạn chế sử dụng, gây khó khăn cho các nhân viên tình báo nước ngoài.
Điển hình, Mỹ đã cho triển khai hiệu quả hàng loạt các cuộc tấn công nhắm tới hệ thống máy li tâm tại cơ sở làm giàu hạt nhân Natanz của Iran vào năm 2010 song phương thức này lại không hữu hiệu tại Triều Tiên. Bởi việc sử dụng máy tính tại quốc gia cô lập hoàn toàn bị giới hạn và nằm dưới sự kiểm soát sát sao của chính phủ.
Trái lại, Triều Tiên lại sở hữu một đội ngũ hacker vô cùng tinh ranh từng được đào tạo tại Trung Quốc, chuyên phá hoại hoạt động của các ngân hàng và mạng lưới truyền thông Hàn Quốc mà điển hình là vụ tấn công hồi tháng 3 vừa qua.
Thông tin xoay quanh nhà lãnh đạo Kim Jong-il là bí ẩn lớn nhất với Mỹ |
Ngoài ra, thông tin xoay quanh các nhà lãnh đạo chủ chốt của Triều Tiên như chủ tịch Kim vẫn còn là một ẩn số bấy lâu nay với Mỹ. Cho tới nay, người Mỹ đầu tiên được tiếp xúc với nhà lãnh đạo Kim là cựu tuyển thủ bóng rổ Dennis Rodman – người mới thực hiện chuyến thăm tới Bình Nhưỡng.
Thực tế, các quan chức Hàn Quốc đã tỏ ra vô cùng bất ngờ trước năng lực của nhà lãnh đạo trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm như ông Kim Jong-un cùng bộ máy chính quyền và đảng cầm quyền kiểm soát lực lượng quân đội. Trong đó, 2/3 cựu quan chức cấp cao của Triều Tiên đã bị giáng chức và thay vào đó là một lực lượng lãnh đạo thiếu kinh nghiệm song rất trung thành với đường lối lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ tuổi.
Theo đánh giá của Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương - Adm. Samuel J. Locklear III, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un "mạnh mẽ" và "khó đoán" hơn cả cố chủ tịch Kim Jong-il. Tuy nhiên, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng – Trung tướng Michael T. Flynn cho rằng chủ tịch Kim Jong-un có khả năng "kiềm chế" và "uy tín" hơn cha mình bởi nhà lãnh đạo trẻ hiểu rằng mình sẽ không thể sống sót nếu thực hiện chiến tranh tổng lực.
Hiện nay, chính quyền của chủ tịch Kim đang triển khai một trò chơi với độ phức tạp cao với các cơ quan tình báo của Mỹ. Ông Kim hiểu rằng Mỹ đang đặc biệt quan tâm tới thời điểm Triều Tiên thử nghiệm loại vũ khí plutonium hay vũ khí sử dụng nhiên liệu uranium đầu tiên cũng như năng lực làm giàu uranium của quốc gia này.
Tuy nhiên, các bãi thử hạt nhân của Triều Tiên đều nằm sâu dưới lòng đất do đó các cơ quan tình báo của Mỹ không thể thu thập mẫu không khí để phân tích và đưa ra kết luận liệu quốc gia cô lập đang thử nghiệm loại vũ khí sử dụng nhiên liệu uranium hay không.