Dùng hạt sen chữa chứng khó nói ở nam giới
Theo cuốn "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" (NXB Khoa học và Kỹ thuật), trong y học cổ truyền, tất cả các bộ phận của cây sen đều được dùng làm thuốc, bao gồm: Hạt sen còn màng đỏ bên ngoài gọi là liên nhục; Quả sen thu hái khi chín là liên thạch; Tâm sen (cây mầm trong hạt sen) gọi là liên tâm; Gương sen (đế sen) đã lấy quả gọi là liên phòng; Lá sen thu hái vào mùa thu, bỏ cuống gọi là liên diệp; Thân rễ thu hái quanh năm gọi là liên ngẫu; Tua nhị đực của hoa sen bỏ hạt gạo đi gọi là liên tu. Để dùng làm thuốc, tất cả các bộ phận này đều được đem phơi hoặc sấy khô.
Trong đó, liên nhục và liên tu, tức hạt sen và tua sen được xem là những vị thuốc hữu hiệu chữa chứng di tinh, mộng tinh ở nam giới.
Hạt sen |
Hạt sen có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm, tỳ, thận có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, sáp trường, cố tinh. Tua sen vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm, thận có tác dụng giữ tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết.
Hạt sen dùng điều trị tỳ hư, lỵ, di mộng tinh, khí hư, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược, kém ăn, ít ngủ. Công thức là liều dùng từ 12 đến 20g, có thể đến 100g dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Hạt sen thường phối hợp với các vị thuốc khác. Lưu ý, những trường hợp thực nhiệt, táo bón không nên dùng.
Tua sen |
Tua sen chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, mất ngủ. Ngày dùng từ 5 đến 10g dưới dạng thuốc sắc. Lưu ý, những người cơ thể suy nhược, tiểu tiện bí không nên dùng. Vị thuốc tua sen kỵ địa hoàng, hành, tỏi.
Ở Trung Quốc, hạt sen chỉ trị tiêu chảy lâu, tỳ hư, di tinh, thận hư, tiểu rắt với liều từ 8 đến 25g, sắc nước uống. Tua sen trị di tinh, tiểu són, bạch đới (bệnh ra khí hư trắng ở phụ nữ). Liều dùng từ 4 đến 12g, sắc uống.
Ngoài hạt sen, tua sen, các bộ phận khác của cây sen đều là những vị thuốc quý trong chữa các loại bệnh thường gặp.
Tâm sen |
Một số bài thuốc có sen trong y học cổ truyền:
- Chữa tiêu hóa kém ở trẻ em, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, gầy yếu, phù thũng, hoàng đản (các bệnh có vàng da và mắt như viêm gan virus, xơ gan, bệnh xoắn khuẩn (Leptospira), viêm túi mật...): Hạt sen 4g, bạch truật 12g (sao tẩm), phục linh 6g, nhân sâm 4 - 8g, thục địa 4g, chích cam thảo 3g, gừng nướng 3 lát, táo ta 2 quả. Tất cả sắc uống trong ngày.
- Chữa không nói được sau khi sinh: Hạt sen, thạch xương bồ, nhân sâm. Tất cả tán bột, mỗi lần uống 20g.
- Thuốc bổ tỳ giúp ăn ngủ ngon, đại tiểu tiện dễ dàng:
+, Viên bổ liên sơn: Liên nhục 8g, đậu nành 5g, hoài sơn 4g, cẩu tích 4g, ý dĩ 4g, sơn tra 2g, toan táo nhân 1.2g (nhân hạt phơi khô của quả táo chua đã chín già), sa nhân 0.8g, tá dược vừa đủ cho 100 viên uống. Uống mỗi ngày từ 20 đến 30g.
+, Lục vị tân phương: Hạt sen, hà thủ ô, hoài sơn, ý dĩ, cỏ xước, cây râu mèo, mỗi vị 12g. Tất cả sắc uống, ngày 1 thang.
+, Hạt sen (bỏ tâm) 16g, sâm bố chính 12g, hoài sơn 12g. Tất cả tán bột, viên với mật ong, uống mỗi ngày từ 20 đến 30g. Hoặc dùng hạt sen, củ mài với long nhãn, nấu chè ăn.
- Chữa suy nhược thần kinh:
+, Liên nhục, thục địa, thạch hộc, quy bản, hoài sơn, địa cốt bì, hà thủ ô, táo nhân, kim anh, mỗi vị 12g; lai quy 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
+, Liên nhục, thục địa, hoài sơn, tang ký sinh, hà thủ ô, kim anh, mỗi vị 12g; quy bản, kỷ tử, thỏ ty tử ngưu tất, lai quy, táo nhân mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
+, Liên nhục, ba kích, thục địa, kim anh, khiêm thực, đảng sâm, bạch truật, mỗi vị 12g; phụ tử chế, quy bản, táo nhân, bá tử nhân, mỗi vị 8g; nhục quế 4g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa suy nhược cơ thể ở người có bệnh đường hô hấp, viêm phế quản mạn tính, lao: tâm sen 10g, đan bì, ý dĩ, sinh địa, bạch thược, đảng sâm, mỗi vị 12g; quy bản, mạch môn, ngũ vị tử, mỗi vị 10g; trần bì, chích cam thảo, mỗi vị 6g; đại táo 4 quả. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa rong huyết: Ngó sen 12g, thích quy bản 24g, mẫu lệ 20g, sinh địa 16g, hoàng cầm, sơn chi, địa du, mỗi vị 12g; địa cốt bì 10g, cam thảo 4g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa sởi ở thời kỳ sởi bay: Hạt sen, sa sâm, đậu đỏ, lá dâu non, mỗi vị 120g; cam thảo, mạch môn, hoàng tinh, mỗi vị 80g; hoài sơn 60g. Tán thành bột, làm viên. Ngày uống 30g, chia làm 3 lần.