Đức thừa nhận trừng phạt kinh tế Nga là châu Âu đang tự làm suy yếu mình
Đức thừa nhận trừng phạt kinh tế Nga là châu Âu đang tự làm suy yếu mình (Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel) |
Nghị sỹ Quốc hội Đức Klaus Ernst cho rằng, việc áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga gây tổn hại đến quan hệ thương mại giữa Moscow với châu Âu, ảnh hưởng xấu đến sự thịnh vượng và thành công của ngành thương mại Đức.
Theo ông Ernst, quyết định tẩy chay kinh tế từ phía Đức chỉ dẫn đến việc tăng cường mối quan hệ tài chính giữa Moscow và Bắc Kinh. Ông Ernst nói: “Những lệnh trừng phạt này không mang lại hiệu quả gì. Tôi không thể tưởng tượng được chính sách như vậy có thể thành công. Nếu bạn kê toa một loại thuốc và nó không có tác dụng, mà trái lại, nó khiến chính bạn tổn thương, thì sự lựa chọn đó nhiều khả năng là sai lầm”.
Ngoài ra, ông Ernst cũng chỉ trích tuyên bố của tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về sự cần thiết phải có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với vấn đề trừng phạt nhằm vào Nga. Ông Ernst tin rằng, theo cách này, châu Âu đang làm suy yếu chính mình.
Mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây suy giảm đáng kể trong vòng 5 năm qua, sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế do Washington áp đặt được Brussels ủng hộ.
Nhiều chính trị gia tại các nước châu Âu liên tục kêu gọi hủy bỏ các biện pháp trừng phạt bởi những biện pháp này trở thành rào cản lớn cho hoạt động kinh doanh cũng như tăng trưởng kinh tế.
Về phần mình, ngày 19/7, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định rằng các đảng cánh hữu và dân túy ở châu Âu nhận được sự ủng hộ của Nga, điều này gây lo ngại cho Đức và châu Âu, tuy nhiên, bà Merkel tuyên bố muốn cải thiện và có quan hệ tốt với Moscow.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov |
Trước đó, ngày 18/7, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề Diễn đàn Petersburg 2019 tại thị trấn Königswinter, gần thành phố Bonn, miền Tây nước Đức.
Theo Bộ Ngoại giao Đức, 2 ngoại trưởng đã thảo luận một loạt vấn đề cùng quan tâm, trong đó có việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran; tương lai của cơ chế kiểm soát vũ khí; tình hình miền Đông Ukraine và quan hệ Nga-Ukraine hiện nay.
Ngoại trưởng Maas cho rằng, mặc dù có các quan điểm và vị thế khác nhau trong vấn đề miền Đông Ulraine và việc sáp nhập Bán đảo Crimea, song Đức và Nga cần "hợp tác ở cấp chính trị" để tìm kiếm giải pháp.
Ông nhấn mạnh, việc đối thoại với Nga cũng như "sự tham gia mang tính xây dựng" của Nga là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề quốc tế, đồng thời khẳng định hầu như không có bất cứ vấn đề mang tính cấp bách nào mà thế giới đang đối mặt có thể được giải quyết mà không có sự tham dự của Nga. Theo ông, hòa bình lâu dài ở châu Âu chỉ có thể đạt được nếu Berlin và Moscow hợp tác cùng nhau.