Đức là nước tổn thất nặng nhất trong EU do trừng phạt Nga
Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Merkel |
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung trích dẫn một nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới (IfW) có trụ sở ở Kiel cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga đã khiến lĩnh vực xuất khẩu của Đức chịu thiệt hại lớn nhất so với các nước khác trong EU.
Nghiên cứu chỉ ra, "So với các nước phương Tây, Đức gánh chịu gần 40% tổn thất thương mại, trong khi những đấu thủ địa chính trị lớn khác bị ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn nhiều".
Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới, xuất khẩu của Anh sang Nga giảm 7,9%, Pháp - 4,1%, Mỹ chỉ chiếm 0,6% thiệt hại về xuất khẩu.
Do các biện pháp trừng phạt Nga, trung bình hàng tháng xuất khẩu của Đức sang Nga giảm 727 triệu Euro. Cũng cần lưu ý rằng chỉ trong năm 2015, tổn thất của các nước phương Tây do các hạn chế thương mại lên đến 44 tỷ USD, tương đương với 90% thiệt hại tại EU.
Hồi tháng 11 vừa rồi, một trong những nhà lãnh đạo của đảng "Sự lựa chọn cho nước Đức" Markus Frohnmaier thừa nhận: các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế Đức và đời sống người dân nước này. Ông Frohnmaier chia sẻ trên tờ Izvestia, rằng giới doanh nghiệp Đức ước tính có khoảng 42.000 người thất nghiệp, trong khi đó nhiều công ty phá sản.
Một chính trị gia người Đức khác là Sahra Wagenknecht cũng công nhận, rằng việc cấm vận kinh tế và chính trị Nga không những chẳng giúp ích gì trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế quan trọng, mà còn tác động tiêu cực ngược lại lên kinh tế các nước châu Âu, mà đặc biệt là Đức.
Năm 2014, Nga sát nhập bán đảo Crimea đã khiến các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cũng như các nước đồng minh rất tức giận.
Ngay sau đó, các nước này đã đưa ra hàng loạt biện pháp chế tài kinh tế để trừng phạt Moscow, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đồng thời khiến lạm phát tại Nga tăng cao.
Tuy nhiên theo tính toán của Liên Hiệp Quốc, trong khi Nga bị mất khoảng 50 - 52 tỉ USD, thì các nước đã thiết lập lệnh phong tỏa kinh tế cũng không tránh khỏi tổn thất. Họ thậm chí còn phải chịu thiệt hại nhiều hơn cả Nga, với hao tổn vào khoảng 100 tỉ USD.
Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Trước đó ngày 14/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhằm vào Nga liên quan đến việc nước này can thiệp vào Ukraine.
Thông báo trên trang Twitter sau khi các nhà lãnh đạo thảo luận về vấn đề trên tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Chủ tịch EU Donald Tusk cho hay: "EU nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga".
Trong động thái phản ứng trên Facebook, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nêu rõ: "Đây là một quyết định chính trị quan trọng của các lãnh đạo EU khi tiếp tục trừng phạt nhằm vào Nga vì đã xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không chấm dứt các hành vi gây hấn kết hợp nhằm vào đất nước chúng ta".