Đức đang phá hoại EU?
“Đức là vấn đề lớn nhất đối với Eurozone” là tiêu đề một bài viết đăng trên tạp chí The Financial Times. Theo tạp chí này, các đối tác trong EU đang ngày càng tỏ ra cẩn trọng hơn đối với các chính sách đang được Berlin thực thi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Đáng chú ý, ngay cả các nước vốn có quan hệ tốt đẹp với Đức cũng đang bày tỏ sự không hài lòng với vị thế hiện nay của Đức trong EU.
“Đức không thể tự quyết mô hình kinh tế cho các nước khác trong EU”- Ngoại trưởng Lucxembourg Jan Asselborn mới đây đã tuyên bố.
“Sự không hài lòng của nhiều nước với Đức là do Đức đang thực hiện các chính sách lãnh đạo EU không phải vì các lợi ích chung của gia đình EU mà là vì lợi ích của riêng nước Đức, cụ thể là phục vụ lợi ích cho giới doanh nhân Đức.
Đức đã thay đổi cơ bản quan điểm nền tảng của mình trong EU. Berlin đang cố gắng duy trì đồng Euro yếu và chế độ thắt chặt tiết kiệm ở Hy Lạp nhằm duy trì quy chế thành viên của Hy Lạp trong Eurozone vì điều này có lợi”- Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề châu Âu và quốc tế thuộc Viện Kinh tế cao cấp Nga Dmitri Suslov nhận định.
Theo Dmitri Suslov, quan điểm của Đức về Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cũng phản ánh quan điểm “ích kỷ cá nhân” của Đức.
Đức ủng hộ TTIP là do tổ chức này đáp ứng được các lợi ích của giới doanh nghiệp Đức khi giới này đang hướng đến thị trường Bắc Mỹ. Đức vẫn ủng hộ dự án này bất chấp sự phản đối của Italia, Pháp - những nước hàng đầu châu Âu khác.
Vấn đề nhập cư
Một trong những thử thách đối với sự thống nhất, đoàn kết trong EU thời gian qua là cuộc khủng hoảng nhập cư. Để hiểu đúng thực chất vấn đề này thì điều cần thiết là nghiên cứu vấn đề trên quan điểm Đức là quốc gia nằm ở vị trí trung tâm của châu Âu.
Thực thi chính sách mở cửa với người tị nạn, Đức hiểu rõ rằng trong dòng người tị nạn này không chỉ có những người nghèo đói, ít học mong muốn tìm tương lai sáng sủa hơn ở các nước châu Âu mà còn có cả đại diện các thành phần trung lưu và các chuyên gia có trình độ cao.
Khi di cư vào châu Âu, tầng lớp đầu tiên (là những người nghèo, ít học) sẽ vượt biển Địa Trung Hải nên chỉ có thể thâm nhập được vào Hy Lạp, Italia. Tầng lớp thứ hai (trung lưu, giới chuyên gia) sẽ đi bằng đường không và trực tiếp đi đến Đức. Nói cách khác, Đức sẽ nhận được nhiều “tinh túy” từ dòng người nhập cư, còn những thành phần khác sẽ chỉ có thể lưu lại các nước ở “rìa” châu Âu.
Trong khi đó, Berlin không ít lần tuyên bố rằng vấn đề nhập cư là vấn đề của toàn châu Âu, có nghĩa là gánh nặng phải được chia đều ra cho tất cả các nước châu Âu, kể cả những nước không ủng hộ chính sách mở cửa.
Chính vì vậy, Đức mới đề xuất chính sách phân bổ hạn ngạch: Mỗi nước EU, không phụ thuộc vào tiềm lực, quy mô kinh tế, số lượng dân cư và các chỉ số khác, đều phải tiếp nhận số lượng nhất định người nhập cư.
Việc quyết định này được thông qua không phải trên cơ sở thống nhất mà là trên cơ sở đa số phiếu đã khiến các quốc gia Trung và Đông Âu rất tức giận và từ chối thực hiện quyết định này, đồng thời lên tiếng cáo buộc Đức đã “độc tài” trong việc thông qua quyết định.
Khủng hoảng nhập cư đang làm "tan nát"EU (Ảnh minh họa). |
Chính vì vậy, một số nước trong EU đã tăng cường các biện pháp bảo vệ biên giới. Đây là “đòn tấn công” trực diện vào nguyên tắc nền tảng của EU là tự do đi lại. Các nước này cũng đồng loạt đổ lỗi cho Berlin.
Yếu đuối nhưng chưa thể thay thế
Bản thân Đức với tư cách trước tiên là đầu tàu về kinh tế và chính trị hiện cũng đang cảm thấy không tự tin trong nhiều vấn đề. Sau hai cuộc chiến tranh, người Đức đã rút ra nhiều vấn đề để thực hiện các tham vọng chính trị của mình.
Trong nhiều năm qua, một mô hình mới đang được vận hành khá thành công: Paris đảm nhận vai trò thủ lĩnh chính trị ở châu Âu, còn Đức đóng vai trò thủ lĩnh kinh tế. Tuy nhiên, Pháp hiện đang không thể giải quyết được các vấn đề chung của châu Âu nên Đức lại mong muốn đảm nhận chức năng mới này.
“Người Đức hiện không có được các kỹ năng làm thủ lĩnh (chính trị). Bất cứ nỗ lực nào nhằm lấy vị thế chi phối đều dẫn đến các cuộc xung đột trong nội bộ EU: Điều này sẽ gây nên những phản ứng chống đối của các nước còn lại và dẫn đến phân rã toàn bộ hệ thống châu Âu”- Dmitri Suslov nhận định.
Mặc dù còn nhiều vấn đề nhưng hiện phương án thay thế cho sự “thống trị” của Đức vẫn chưa hiện hữu. Sự chi phối của Berlin có được là do các nguyên nhân khách quan: tiềm lực kinh tế của Đức và không có đối thủ đủ sức cạnh tranh.
Cho đến khi tình thế này chưa có sự thay đổi nào (tiền đề cho sự thay đổi vẫn chưa có), vị thế của Đức với tư cách là quốc gia hàng đầu châu Âu sẽ vẫn được củng cố.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Lenta.