Dự định báo hiếu cha mẹ khi ví đầy tiền...
Bố cô bạn thân của tôi vừa qua đời sau một cơn đau tim. Vỏn vẹn trong 10 phút thần chết đã đưa ông ấy rời khỏi bạn tôi mãi mãi.
Mẹ bạn ấy đã mất sớm vì một vụ tai nạn giao thông từ khi bạn mới học lớp 1. Từ đó, bố bạn ấy ở vậy nuôi con gái ăn học. Ông dành tất cả tinh thần và trí lực để chăm sóc con gái từng chút một.
Hồi còn đi học, tôi là đứa hay ghen tị với nó nhất vì dù bất kể mưa nắng thế nào thì lúc tan trường bố nó cũng đội chiếc mũ cối xanh đứng ở cổng chờ sẵn. Còn tôi, những khi bố đi làm xa, mẹ bán hàng chưa về, tôi toàn phải một mình đi bộ về nhà.
Cứ vậy, trong bất kỳ sự kiện quan trọng nào bố nó cũng có mặt, từ buổi họp phụ huynh đến ngày lễ tri ân trưởng thành khi chúng tôi tốt nghiệp. Đến ngay cả việc nó có bạn trai và chọn quà cho cậu ấy thì bố nó cũng là người tư vấn. Nếu dùng ngôn ngữ để đánh giá về ông bố ấy thì chỉ có thể là chữ "tuyệt vời".
Tháng trước, khi nó đang đi công tác Sài Gòn thì nhận được điện thoại của hàng xóm là bố nó bệnh nặng, cần phải về ngay. Nó gọi cho tôi trong tiếng nấc, tôi tức tốc phi xe đến thì lúc ấy xe cứu thương quay đầu vì bác trai đã trút hơi thở cuối cùng.
Bác sĩ nói ông ấy lên cơn đau tim nhưng không được phát hiện kịp thời nên không qua khỏi.
Ảnh minh họa |
Mất bố là nó mất đi chỗ dựa tinh thần vững chãi nhất. Thỉnh thoảng tôi qua thăm nó, nó khóc òa lên như một đứa trẻ khi nhìn di ảnh bố trên bàn thờ.
Nó ôm tôi thổn thức. Nó hối hận vì trước kia không dành nhiều thời gian cho bố. Nó từng có kế hoạch đưa bố đi du lịch miền Tây, vào Sài Gòn thăm chú thím rồi đưa bố đi Ấn Độ… Vậy mà, giờ đây, những điều ấy là quá muộn.
Nó vẫn luôn tự trách bản thân bởi còn nhiều lời hứa với bố chưa thực hiện được. Nó còn dự định sinh nhật này của bố sẽ mua tặng bố bộ đồ bố thích hay đơn giản chỉ là nghỉ trọn vẹn một ngày ở nhà nấu nướng, chăm sóc bố.
Nhưng rồi, công việc cứ cuốn nó đi, lịch đi công tác của nó cứ triền miên hết ngày này qua ngày khác, lo toan cuộc sống cứ chiếm hết tâm trí, thỉnh thoảng nhớ bố quá thì tự biện minh “sau chuyến công tác này sẽ nghỉ 1 tuần đưa bố về thăm quê”. Rồi sau bao chuyến công tác điều đó cũng chẳng thực hiện được.
Cái điệp khúc “sau chuyến công tác này” khiến nó không có cơ hội để làm cho bố những điều đơn giản nhất, để giờ đây nó phải sống trong sự hối tiếc khôn nguôi.
Tôi tin là nỗi ân hận đó không chỉ của riêng nó mà còn của rất nhiều người. Bởi chúng ta thường dự định làm rất nhiều điều để báo hiếu cha mẹ nhưng luôn chờ đợi đến một thời điểm thích hợp, phổ biến là đợi tới khi có một cái ví nhiều tiền.
Ai cũng bảo muốn mua cho bố mẹ vật này, vật kia, muốn đưa bố mẹ đi chỗ này chỗ kia nhưng tiền bạc không dư dả, lại kẹt thời gian. Cứ thế, rất nhiều người không kịp thực hiện điều đó vì bố mẹ ngày càng già yếu, trong khi cuộc sống càng nhiều mối bận tâm.
Thực tế, báo hiếu bố mẹ không nhất thiết dùng tiền bạc vật chất mà quan trọng là tình cảm, sự yêu thương. Đa số các bậc bố mẹ không cần đến những chuyến du lịch đắt tiền, những bộ quần áo sang trọng hay những giỏ hoa quả được quảng cáo là hàng xách tay….
Quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ hay đơn giản chỉ là dành thời gian trò chuyện hàng ngày, nấu cho bố mẹ bữa cơm... thì điều đó còn đáng giá hơn nhiều, phải không?
Bí mật trong những cuốn sách bố tặng tôi dịp sinh nhật
Giây phút người đàn ông mà tôi gọi là bố, gắng gượng hơi thở cuối cùng nói: “Tha lỗi cho bố nhé, bố xin lỗi con!” là lúc tôi biết nỗi đau này sẽ ghim sâu vào tim mình mãi mãi.
Hạnh Nguyên