Dù có lệnh cấm vận, Ngoại trưởng Mỹ vẫn mong quan hệ tốt đẹp với Nga
Ông Tillerson và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ có cuộc gặp mặt tại một diễn đàn được tổ chức tại thủ đô Manila (Philippines), đánh dấu lần đầu tiên hai người trực tiếp gặp mặt nhau kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào nghị định trừng phạt Nga, trước đó được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ phê duyệt. Lệnh trừng phạt này nhằm ngành năng lượng của Nga, cũng như giới hạn ngân sách mà Mỹ có thể đầu tư vào các công ty Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 5/2017. |
Đáp lại, Nga cũng yêu cầu Washington cắt giảm 755 nhân viên đại sứ quán và lãnh sự đang làm việc tại Nga, đồng thời phong tỏa hai cơ sở của các cơ quan ngoại giao của Mỹ tại đây.
Phát biểu trước báo giới, ông Tillerson vẫn bày tỏ hi vọng hai bên có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn. “Giữa hai bên không có sự thù địch nào”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết trước khi gặp ông Lavrov. “Tôi tin rằng ông Lavrov cũng rất quyết tâm tìm cách để xây dựng lại mối quan hệ này”.
Các chuyên gia phân tích đều đã dự đoán rằng cuộc gặp mặt này sẽ không có bất kỳ kết quả đột phá nào về cuộc chiến ở Syria cũng như cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, và Tổng thống Donald Trump cũng bác bỏ cáo buộc có liên hệ với Nga.
Dự kiến ông Tillerson và ông Lavrov sẽ bàn về các “vùng không giao tranh” mà nhiều nước đã nhất trí thành lập tại vùng Tây Bắc Syria. Nga và Iran hiện đứng về phía lực lượng quân chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad, còn Mỹ hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang nổi dậy chống chính quyền.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, ngoại trưởng hai nước cũng sẽ xem lại các vấn đề kiểm soát vũ khí thường và hạt nhân. Đây là điều mà Mỹ và Nga đã từng nhiều lần đạt được thỏa thuận mặc dù quan hệ hai bên vốn căng thẳng.
Vào tháng 4, ông Tillerson và ông Lavrov đã nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán về các vấn đề gây tranh cãi, bao gồm bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa và các loại khí tài quân sự thông thường ở Châu Âu. Lần cuối cùng hai bên hội đàm về vấn đề này là vào năm 2012.
Tháng trước, hai nước đã đồng ý “trao đổi thông tin thời gian biểu trong tương lai gần” để hai bên có thể tiếp tục đàm phán những nội dung đã nêu cũng như việc kéo dài thỏa thuận New START, một hiệp ước được lập nên vào năm 2010 có nội dung rằng Mỹ và Nga sẽ phải cắt giảm số vũ khí hạt nhân xuống còn 1.550 đầu đạn và 700 tên lửa trước ngày 05/02/2018.