"Động thái lạ" của hải quân Mỹ sau vụ Nga bắt 3 tàu Ukraine
RT đưa tin, trong một tuyên bố hôm 5/12, Trung úy Rachel McMarr, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS MCCampbell (DDG-85) đã tiến vào vùng giáp vịnh Peter Đại đế để “thách thức các tuyên bố chủ quyền của Nga cũng như khẳng định quyền tự do hàng hải theo luật biển”.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đườngUSS McCampbell của hải quân Mỹ. |
Hải quân Mỹ gọi đây là một phần trong chương trình “Hoạt động tự do hàng hải (FONOP)”. Điều đáng nói, lần cuối cùng Mỹ tiến hành FONOP ở vùng biển ngoài khơi Nga là vào năm 1987, thời điểm căng thẳng Chiến tranh Lạnh ở mức cao nhất.
“Đây là hoạt động nhằm chứng minh Mỹ sẽ bay, di chuyển trên biển và hoạt động ở mọi khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép. Đây là sự thật trên biển Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới”, ông McMarr nói.
Vịnh Peter Đại Đế là nơi hoạt động của một số căn cứ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Nga. Do đó, sự hiện diện của tàu khu trục USS MCCampbell ở khu vực này có thể được ví như sự kiện một chiếc tàu của Nga có mặt ở San Diego, California hay Trân Châu Cảng, Hawaii.
Ngoài ra, hải quân Mỹ còn có kế hoạch điều động một tàu chiến tới Biển Đen trong thời gian tới. CNN dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, hải quân Mỹ đã thông báo trước 15 ngày cho phía Thổ Nhĩ Kỳ về ý định cử một tàu chiến tới eo biển Bosporus và Dardanelles.
Trong khi đó, Hiệp ước Montreux năm 1936 đã đặt ra quy định giới hạn về sự hiện diện của tàu thuyền các nước không giáp Biển Đen. Theo đó, các tàu thuyền này chỉ được hoạt động tối đa trên Biển Đen trong vòng 21 ngày. Lần gần nhất, tàu chiến Mỹ xuất hiện ở Biển Đen là hồi tháng 10.
Một quan chức Mỹ giấu tên còn tiết lộ với CNN rằng sự xuất hiện của tàu USS MCCampbell được xem là phản ứng của Mỹ trước việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân cùng các quân nhân Ukraine sau vụ đụng độ trên eo biển Kerch hôm 25/11 trước cáo buộc xâm phạm lãnh hải quốc gia Nga. Eo biển Kerch là khu vực nối biển Azov với Biển Đen.