“Động thái bất ngờ” của Philippines giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông
“Thật tốt nếu chúng tôi nắm trong tay 1 máy bay P-3 Orion. Hãy cung cấp đầy đủ thiết bị cơ bản đi kèm nếu không nó sẽ chỉ là một chiếc máy bay vận tải. Chúng tôi sẽ tìm hiểu liệu chúng tôi có thể mua 1 hay 2 chiếc”, National Interest dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng PhilippinesDelfin Lorenzana.
Philippines có kế hoạch muamáy bay tuần tra hàng hải tầm xa P-3 Orion của Mỹ giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông. |
Theo Bộ trưởng Lorenzana, máy bay tuần tra P-3 Orion sẽ giúp Philippines tăng cường khả năng giám sát trong khu vực.
“P-3 Orion sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp quân đội Philippines tăng cường khả năng hiểu biết”, ông Lorenzana nói thêm.
Còn theo thông cáo từ chính phủ Philippines, “Bộ trưởng Lorenzana sẽ sớm trình đề xuất chính thức để đặt mua máy bay của Mỹ”.
Thương vụ mua P-3 Orion của Philippines có thể sẽ được thực hiện thông qua Chương trình Các điều khoản quốc phòng mở rộng (EDA) của chính phủ Mỹ.
Hiện tại, năng lực tuần tra hàng hải của Philippines được đánh giá là vô cùng hạn chế. Theo đó, hải quân Philippines đang sở hữu 5 máy bay tuần tra TC-90 được hải quân Nhật Bản tài trợ trong các năm 2017 và 2018. Phạm vi hoạt động của máy bay tuần tra TC-90 chỉ vào khoảng 1.200 dặm.
Trong khi đó, với phạm vi hoạt động 2.380 dặm, máy bay tuần tra P-3 Orion của Tập đoàn Lockheed Martin được đánh giá sở hữu những tính năng vượt trội hơn hẳn so với TC-90.
Cụ thể, được sản xuất dựa trên mẫu máy bay Lockheed L-188 Electra, máy bay tuần tra Orion được xem là xương sống trong lực lượng tuần tra tầm xa của Mỹ kể từ đầu thập niên 60. Dù bị đánh giá thấp hơn so với máy bay tuần tra tối tân P-8 Poseidon, nhưng P-3 vẫn được trang bị các bộ cảm biến hiện đại hay tên lửa Harpoon, vũ khí chống ngầm và mìn.
Ông Brian Harding, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington nhận định, máy bay tuần tra P-3 đang được Nhật Bản sử dụng đã giúp hải quân nước này nâng cao vị thế trên biển. Ngoài ra, P-3 có thể trở thành công cụ thu thập thông tin tình báo trên mặt đất như trong vụ việc quân đội Philippines tấn công và giải phóng thành phố Marawi từng bị các tay súng khủng bố hồi giáo chiếm đóng vào năm 2017.
Trên thực tế, việc Philippines mua các máy bay dư thừa của Mỹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Điển hình vào năm 1997, Manila đặt mua 35 chiến đấu cơ cũ F-8 Crusader của hải quân Mỹ. Song do bảo dưỡng không tốt nên các máy bay F-8 Crusader đã không thể hoạt động.
Một yếu tố khác khiến Philippines có thể gặp trở ngại trong quá trình đặt mua máy bay tuần tra P-3 Orion của Mỹ chính là Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh quan ngại Philippines có thể sử dụng máy bay tầm xa này để giám sát hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm cả các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên vùng biển chiến lược.
Song theo ông Harding, đây không phải là vấn đề lớn có thể cản trở Philippines.
“Không nghi ngờ gì nữa về việc Philippines cần tăng cường hiểu biết về những thông tin liên quan tới hoạt động trong lãnh hải của họ”, ông Harding kết luận.
Thông tin Manila có kế hoạch đặt mua máy bay tuần tra P-3 được công bố trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc cố tình đâm thủng một tàu cá của Philippines trên Biển Đông hôm 9/6.