Đồng rúp rơi tự do, Nga sẽ ‘cầm cự’ được bao lâu?
Ông Putin khẳng định, nếu các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút tiền thì chính phủ sẽ dùng nguồn lực lớn của mình để giải quyết. Và giờ, nguồn lực mà ông nhắc đến đang được "thử lửa".
Tổng thống Nga Vladimir Putin trongcuộc họp báo thường niên vào hôm 18/12. |
Với giá dầu giảm mạnh và đồng rúp rơi tự do, Nga đang phải tăng cường sử dụng các nguồn lực quốc gia, bao gồm gần 400 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Hôm 17/12, chính phủ cho biết sẽ dùng 7 tỷ USD để ngăn đà giảm của đồng rúp nhằm làm dịu thị trường. Dường như, động thái này đã có một chút tác dụng khi đồng rúp phục hồi nhẹ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Nga sẽ chịu được trong bao lâu.
Đồng rúp vẫn không ổn định. Do các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraine, một số công ty của Nga, hiện có nợ lớn, đang ngày càng gặp khó khăn về tài chính. Hơn nữa, Nga không thể dễ dàng và nhanh chóng tận dụng tất cả các nguồn lực.
Christopher Granville, Giám đốc của Trusted Sources, một nhóm nghiên cứu thị trường mới nổi ở London cho rằng, Nga có đủ nguồn lực để chịu được những áp lực kinh tế cho đến năm 2016 nhưng sau đó thì không thể nói trước được vì nguồn lực đó không phải là vô tận.
Bảng tỷ giá đồng rúp so với các đồng ngoại tệ bên ngoài một ngân hàng ở Nga. |
Nga chắc chắn có rất nhiều tiền nhưng chỉ có thể dễ dàng sử dụng một nửa trong số 400 tỷ USD. Hiện Nga đang sử dụng khoảng 90 tỷ USD để làm dịu tác động của giá dầu giảm.
Quỹ an sinh National Welfare Fund của Nga có khoảng 79 tỷ USD, nhưng một số nhà kinh tế cho rằng số tiền đó đã được lên kế hoạch dùng cho các khoản đầu tư dài hạn khác tại Nga.
Nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga với nguồn thu từ dầu khí chiếm khoảng 50% ngân sách và 60% giá trị xuất khẩu, đã khiến cho nước Nga bị chênh vênh rất nhiều khi giá dầu giảm. Khi giá cao, lợi nhuận từ việc xuất khẩu dầu mỏ sẽ giúp vực đồng rúp khi nó có dấu hiệu suy yếu. Nhưng khi giá dầu giảm, đồng rúp của Nga mất đi một “chỗ dựa” chủ đạo.
Các lệnh trừng phạt đã gây khó khăn cho công ty Nga trong việc khai thác các thị trường toàn cầu trong khi các khoản nợ đang dần đến hạn phải trả. Trong tháng này, các tập đoàn và ngân hàng Nga sẽ phải trả 30 triệu USD các khoản vay nước ngoài. Năm tới, khoản nợ này có thể lên tới 130 triệu USD.
Các công ty lớn, như Tập đoàn năng lượng Gazprom, kiếm doanh thu bằng ngoại tệ sẽ ít gặp khó khăn hơn nhưng họ lại có trách nhiệm giúp đỡ chính phủ giải quyết những khó khăn kinh tế.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong cuộc họp với người đứng đầu các nhà xuất khẩu lớn nhất của Nga hôm 17/12. |
Chuyên gia kinh tế Lubomir Mitov thuộc Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định, Nga sẽ gặp khó khăn hơn nếu giá dầu xuống dưới 60 USD/ thùng. Nếu như vậy, ông nói: “Làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp sẽ nổ ra vào nửa sau của năm 2015 và nó sẽ tồi tệ hơn theo thời gian”.
Hiện tại, Nga đang khai thác mạnh mẽ các nguồn lực của mình để bảo vệ đồng rúp. Hôm 17/12, Bộ Tài chính Nga cho biết, chính phủ sẽ bán ngoại tệ để hỗ trợ đồng rúp đang sụt giảm. Hãng tin Interfax dẫn lời Alexei V. Moiseev, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay: “Chúng tôi sẽ bán một số lượng ngoại tệ cần thiết”.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã chi một số tiền lớn bảo vệ đồng rúp. Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã sử dụng hơn 75 tỷ USD để chống đỡ đồng rúp. Trong tháng này, nó đã bán hơn 10 tỷ USD ngoại tệ, trong đó, chỉ trong ngày 15/12 là gần 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Benoit Anne, chiến lược gia hàng đầu về các thị trường mới nổi toàn cầu tại Societe Generale cho rằng, những chiến lược trên đã không có hiệu quả.
Theo NYT, chiều ngày 17/12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã triệu tập một cuộc họp với người đứng đầu các nhà xuất khẩu lớn nhất của Nga, bao gồm giám đốc của hai “gã khổng lồ” dầu khí nước Nga là Gazprom và Rosneft, cũng như giám đốc của các công ty dầu khí lớn khác như Lukoil, Surgutneftegaz và doanh nghiệp mới được quốc hữu hóa gần đây là Bashneft.
Trong cuộc họp trên, ông Medvedev cho rằng việc giá đồng rúp giảm gần đây là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu sụt giảm và rằng tình trạng này vượt quá tầm kiểm soát của Nga.
Theo trang web chính phủ Nga, ông Medvedev cũng kêu gọi những người này chuyển ngoại tệ thu được từ xuất khẩu thành tiền rúp . Ông khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu bán tiền rúp một cách "nhịp nhàng và ổn định" để tránh việc đồng rúp bị giảm giá sốc.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khi đồng rúp giảm, các nhà xuất khẩu có xu hướng nắm giữ ngoại tệ hơn là chuyển sang đồng rúp.
Để khích lệ các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Medvedev cũng khẳng định chính phủ Nga sẽ luôn hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ông nói: "Các bạn nên yên tâm rằng đất nước chúng ta có đủ nguồn lực tiền tệ để đạt được tất cả các mục tiêu kinh tế và sản xuất mà các bạn đã đặt ra".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The New York Times, nhật báo được xuất bản tại thành phố New York do Arthur O. Sulzberger Jr. làm chủ biên, được phân phối ở khắp Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.