Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án chính trị, vì sao Đức không bỏ?
Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, nhà ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger |
Trong một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin của Đức, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, nhà ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger cho rằng, dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 ngay tại thời điểm này sẽ là một chính sách không có lợi đối với phía Berlin.
"Phải thừa nhận rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 chắc chắn là một dự án mang tính chính trị. Cá nhân tôi nghĩ rằng việc dừng lại ngay bây giờ, khi 90% dự án đã được thực hiện, với hơn 10 năm thảo luận, sẽ là một chính sách tồi, rất không có lợi đối với Berlin", ông Ischinger nói.
Theo nhà ngoại giao, dừng xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 có thể là một chính sách đối ngoại tồi tệ của nước Đức, vì trong nhiều năm qua các đối tác đã có ấn tượng rằng "tất cả mọi thứ nước Đức làm đều đáng tin cậy và nhất quán, không gây ra những thay đổi bất ngờ".
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu, nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí đốt với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Đã có một số nước lên tiếng phản đối dự án này, trong đó có Hoa Kỳ. Washington cho rằng, dự án này chỉ nhằm mục đích tạo ra một tuyến đường vận chuyển khí không thể thay thế đến châu Âu, bỏ qua Ukraine.
Hoa Kỳ là nước phản đối mạnh mẽ nhất việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2,Washington liên tục đưa ra các đe dọa trừng phạt đối với các nước, các công ty tham gia dự án này.
Mới đây nhất, tờ Bild của Đức đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi thư cho một loạt công ty Đức, trong đó bóng gió đề cập tới khả năng Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty của Đức ủng hộ dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump chỉ trích dự án vì muốn giành lợi thế cho doanh nghiệp Mỹ trong việc cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần lưu ý, Berlin coi Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án thương mại, nhưng đồng thời, bà cũng lưu tâm đến việc duy trì quá trình vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
Phía Nga cũng đã nhiều lần khẳng định, dự án hợp tác này hoàn toàn mang tính thương mại và cạnh tranh, và cho biết rằng Moscow không có ý định chấm dứt quá cảnh khí đốt từ Nga qua Ukraine đến EU.