Đông Á chạy đua vũ trang tàu ngầm vì Trung Quốc
“Mặc dù tồn tại bất lợi và hạn chế về khả năng kết hợp, Hải quân Trung Quốc đang dần chuyển đổi thành một lực lượng có cả khả năng phòng thủ và tấn công trong khu vực cũng như mở rộng năng lực chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD)”, ông Raska chia sẻ trên tạp chí The Diplomat.
Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu của chiến lược này là ngăn chặn mọi hành động của Mỹ và các đồng minh của Washington có vùng biển sát với lãnh thổ Trung Quốc nếu không may xảy ra giao tranh tại khu vực Đông Á.
Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc. |
Ông Raska nhấn mạnh mối quan tâm hiện nay chính là việc triển khai hàng loạt tàu ngầm thế hệ mới từ loại thông thường cho tới hạt nhân của Hải quân Trung Quốc. Theo ông Raska, kể từ năm 2004, Trung Quốc đã cho hạ thủy 12 chiếc tàu ngầm truyền thống lớp Yuan Type 041, và khả năng hạm đội tàu ngầm lớp Yuan lên 20 chiếc nhờ nhập khẩu công nghệ từ Nga. Từ giữa thập niên 90, Trung Quốc còn mua 12 chiếc tàu ngầm Kilo của Nga.
Theo chuyên gia Raska, Trung Quốc đang tiến hành thảo luận với Nga về việc mua 4 tàu ngầm lớp Amur (Lada) thế hệ thứ tư và khả năng cả 1 tàu ngầm lớp Kalina thế hệ thứ năm. Cả hai thế hệ tàu ngầm này của Nga đều được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập tiên tiến (AIP).
“Việc Hàn Quốc hạ thủy tàu ngầm Type-214 thế hệ thứ năm mang tên ROKS Yun Bong-gil hồi tháng này chỉ diễn ra sau chưa đầy một năm, quốc gia này cho ra mắt tàu ngầm lớp Son Won-il 1.800 tấn hồi tháng 9/2013, vốn được trang bị các hệ thống AIP và điều hành chiến đấu tối tân”, ông Raska nói.
Hồi tháng 10/2013, Nhật Bản cũng đã cho hạ thủy Kokuryu, chiếc tàu ngầm thứ sáu trong loạt 10 chiếc lớp Soryu. Chiếc tàu ngầm tối tân này của Tokyo được trang bị hệ thống đẩy AIP và tên lửa chống hạm Harpoon.
Ngoài ra, cuộc đua vũ trang tàu ngầm cũng đang diễn ra sôi nổi tại khu vực Đông Nam Á. Sau khi Việt Nam tiếp nhận 2 trong số 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo đặt mua của Nga, ông Raska cho rằng cả Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đang có ý định mở rộng hoặc nâng cấp hạm đội tàu ngầm quốc gia.
Việc triển khai 2 tàu ngầm lớp Scorpene do Pháp sản xuất tới Căn cứ Hải quân Kota Kinabalu tại Saba cho thấy Malaysia đã sẵn sàng đối phó với Trung Quốc nếu không may xảy ra xung đột với Bắc Kinh để giành quyền kiểm soát chủ quyền đã tuyên bố trên Biển Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.