Donald Trump muốn đàm phán với lãnh đạo Kim Jong-un
Ông Trump, hiện là ứng cử viên tranh cử Tổng thống duy nhất của đảng Cộng hòa, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters đã nói rằng ông sẽ trao đổi với ông Kim để tìm cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Donald Trump, ứng cử viên duy nhất tham gia tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa. |
“Tôi sẽ hội đàm với anh ta”, ông Trump nói. Ngoài ra ông cũng cho biết ông sẽ gây sức ép hơn nữa với Trung Quốc để buộc nước này khiến Triều Tiên phải thay đổi chính sách của mình.
“Cùng lúc đó, tôi sẽ gây sức ép đối với Trung Quốc bởi chúng ta vẫn có tầm ảnh hưởng về kinh tế sâu rộng đối với họ”, tỉ phú Mỹ nói.
Trung Quốc là một trong số vài quốc gia sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên và là đồng minh chính của nước này. Chính quyền Obama đã từng kêu gọi Trung Quốc hãy thuyết phục người hàng xóm của mình, nhưng không dùng những biện pháp trừng phạt kinh tế với Bắc Kinh do lo ngại hậu quả khôn lường.
Phát biểu trên cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong chính sách của ông Trump so với cách làm hiện nay của Mỹ. Mỹ không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bình Nhưỡng và thường liên lạc với Triều Tiên thông qua đại sứ quán Thụy Điển khi cần thiết.
Trong khi đó, Triều Tiên cũng đã phải chịu nhiều lệnh cấm vận hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, và Mỹ đã cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền, đồng thời đã nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo và thử nghiệm hạt nhân.
Thượng nghị sĩ Alabama Jeff Sessions, người đứng đầu nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump cho biết ông không lo lắng khi nghe tin ông Trump mở cửa đối thoại trực tiếp với ông Kim bởi ông có kinh nghiệm làm kinh doanh lâu năm.
Ông Sessions cũng cho biết, tỉ phú người Mỹ chưa nói với ông về đề xuất này và coi đây không phải là chính sách lâu dài.
“Tôi tin rằng trong nhiều năm qua, chưa ai tham gia tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ lại biết cách đàm phán hiệu quả như ông Donald Trump, và tôi tin rằng ông ấy sẽ không hề nao núng trước Kim Jong-un hay bất kỳ ai trong chính quyền Triều Tiên”, ông Sessions nói. “Mặc dù tôi cho rằng rất khó để đạt được một kết quả thuận lợi, tuy nhiên việc đàm phán với họ có thể sẽ không phải là ý tồi”.
Trước đây khi còn là ứng cử viên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích khi ông nói rằng ông sẽ gặp mặt lãnh đạo của Iran để bàn về các hoạt động hạt nhân của họ.
Mặc dù trong nhiều năm qua Triều Tiên và các nước lớn đã có nhiều lần hội đàm về chương trình hạt nhân của nước này, cho đến nay kết quả đạt được không nhiều.
Đại diện của Mỹ cũng đã nhiều lần có mặt tại Triều Tiên để giải cứu những công dân Mỹ bị giam giữ tại đây. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đến Triều Tiên vào năm 2009 và gặp gỡ Chủ tịch Kim Jong-il để đưa hai nhà báo Mỹ Euna Lê và Laura Ling về nước.
Bản thân ông Obama cũng đã phát biểu sẽ đối thoại với các nước thù địch với Mỹ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình vào năm 2008. Trong thời gian nhậm chức, ông đã bắt tay với Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nhưng chính quyền của ông đã không đạt được thành công với Triều Tiên và nước này đang ngày càng bị cô lập.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.