Đón xuân cùng “Ông già Nhơn Ninh”
Vài năm trở lại đây, trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở tỉnh Long An, có một người dân thường xuyên được tuyên dương bởi những việc làm thiết thực dù đã ở tuổi 95. Đó là ông Đoàn Văn Lẫm. Ông đã có hơn 40 năm tự nguyện đứng ra vận động bà con đào kênh, làm cầu, làm đường.
Ông Đoàn Văn Lẫm. |
Tìm đến nhà của ông Đoàn Văn Lẫm. Người dân trong ấp, trong xã gọi ông bằng cái tên thân mật kiểu Nam bộ “ông Mười”, còn cánh báo chí chúng tôi thích gọi ông bằng cái tên “Ông già Nhơn Ninh”. Bởi lẽ ông có những nét đặc trưng của một ông già Nam bộ- chân chất, hiền lành, nói được là làm được. Đón chúng tôi như người nhà về ăn Tết, chưa hết dĩa mứt dừa và ấm trà, ông Mười đã sốt sắng: “Đi với qua ra chỗ đổ trụ cầu, hôm nay đổ trụ cầu, có cầu này xe 4 bánh đi khỏe ru”.
Nói rồi ông Mười đi thẳng ra chỗ đang xây cây cầu bắc qua kênh Giữa, nối hai khu dân cư chạy dọc hai bên kênh. Cầu này được ông Mười vận động người dân trong ấp ủng hộ toàn bộ ngày công, cần làm gì bà con có mặt ngay, chỉ thuê thợ hướng dẫn cho đúng kích cỡ, khối lượng. Riêng tiền vật tư làm cầu hết hơn 160 triệu đồng, bà con đóng góp 60 triệu, còn lại 100 triệu do đại gia đình ông Mười lo hết. Tuổi già sức yếu, bản thân không có nhiều tiền, ông Mười đã họp gần 20 gia đình con, cháu trong đại gia đình lại với mong muốn con cháu phải có tinh thần vì việc chung, và rất mừng là ai cũng đồng lòng.
Anh Đoàn Văn Út, con trai ông Mười nói: " Chúng tôi nghe lời cha mẹ, làm những gì có lợi cho xã hội, đóng góp với xã hội để có đường, cầu đi tới lui cho thuận tiện. Bên chính quyền cũng vận động ráng đóng góp vô để làm, để lên xã nông thôn mới, xã hội sau này tươi đẹp hơn. Bây giờ dễ hơn hồi xưa nhiều, hồi xưa đi mưa gió lầy lội khó tới. Giờ hô một tiếng là con cháu, anh em về, xe tới nhà luôn, mừng lắm chứ, về để vui vẻ trong 3 ngày Tết”.
Có nghe ông Mười kể, có thấy cách ông đối xử với từng trụ cầu, từng đoạn đường trong ấp đang được đổ bê- tông, mới thấy đường sá quan trọng như thế nào đối với việc đi lại, học hành, hiếu hỉ của người dân ở đây. Người Nhơn Ninh, người Đồng Tháp Mười bao đời nay nghĩ về kênh mương, đường sá như một sự ám ảnh không dứt ra được. Khi mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giữa vùng bưng biền, nước nổi này, yêu cầu cấp thiết là phải có kênh mương để đi lại, để sản xuất. Lúc đó, ông Mười đã vận động người dân trong xã, trong ấp dùng sức người nạo vét kênh, khơi thông dòng chảy cho xuồng ghe qua lại và dẫn nước vào ruộng. Dần dà, muốn đi nhanh hơn, muốn kết nối với đường bộ của xã của huyện, thì ấp Kênh Giữa của ông cũng cần phải có đường. Ông lại vận động người dân và chính gia đình mình góp tiền, góp sức đắp đường, làm cầu, trải bê tông.
Trong xã Nhơn Ninh, việc gì cần đến sức dân, đến sự đóng góp, ủng hộ của dân, lãnh đạo xã đều bàn với ông Đoàn Văn Lẫm. |
Trước Tết năm ngoái, do yêu cầu xây dựng nông thôn mới và thực tế là cần đường cho xe 4 bánh, ông Mười một lần nữa vận động bà con mạnh dạn đập bỏ 10 cây cầu nhỏ không còn phù hợp, thay vào đó là đặt 10 cống tương ứng với mặt đường nông thôn rộng 3 mét. Cầu hay cống thì đều là tiền và sức của bà con tự nguyện đóng góp, đập cái này đi để thay bằng cái kia là việc không dễ. Nhưng ông Mười đã giải thích và thuyết phục được người dân trong ấp thực hiện. Thế là Tết năm nay, các cây cầu đã cơ bản hoàn thành. Ông Cai Văn Bé, Bí thư chi bộ ấp Kênh Giữa, xã Nhơn Ninh kể: “Tất cả các cuộc vận động thì ông Mười đều có mặt, cho nên bà con rất đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng. Ông Mười vận động con cháu ông tiên phong, mẫu mực hơn mọi người. Từ đó, nhân dân thấy được mà thực hiện tốt công việc xây dựng quê hương”.
Trong xã Nhơn Ninh, việc gì cần đến sức dân, đến sự đóng góp, ủng hộ của dân, lãnh đạo xã đều bàn với ông Mười. Ông Mười nghe xuôi tai, về vận động con cháu trong nhà đóng góp trước, làm gương cho bà con hàng xóm góp theo. Việc lớn, việc nhỏ của xã, của ấp đều thành công từ cách làm này. Ông Phạm Văn Quớn, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh nhận xét: Ông Mười rất nhiệt tình, tâm huyết, cùng tham gia với chi bộ, chính quyền vận động nhiều nhà tài trợ, cá nhân, gia đình ủng hộ rất nhiều. Trong quá trình vận động người dân hiến đất, đầu tư góp vốn làm đường giao thông nông thôn, cũng có một số hộ chưa thông, tuy nhiên, nhờ uy tín của ông Mười với tư cách là người lão làng, lớn tuổi, xuống vận động cùng với xã thì người dân chấp hành tốt. Nếu có nhiều người như thế thì quá trình phát triển đời sống kinh tế- xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới rất thành công.
Có thể nói, ông Mười đã làm rất nhiều việc cho người dân trong ấp, trong xã này, từ vận động trẻ em đến trường, trị bệnh bằng thuốc nam miễn phí... đến làm đường, làm cầu, kéo điện về làng. Gần đây, thấy 5 gia đình trong ấp còn khó khăn quá, ông Mười tự nguyện cấp cho mỗi hộ 20kg gạo/tháng để các hộ không còn phải lo cái ăn, yên tâm làm lụng. Mỗi mùa thu hoạch lúa, ông yêu cầu các con, cháu, mỗi nhà tự giác góp 1 tấn lúa vào kho, hàng tháng đem xay xát ủng hộ người nghèo. Ông Mười tâm niệm: “Con lộ này, con lộ kia, qua theo với chính quyền để mà giúp cho xã hội. Lặn lội, người ta cực thì mình cực. Vận động bà con đóng góp thì mình phải là phát pháo đầu tàu, mình làm chuyện phải thì họ phụ với mình thôi, sống làm sao cho xã hội này phải tốt đẹp mới được”.
Thăm ông Đoàn Văn Lẫm đúng vào dịp Tết, nghe chuyện về ông và thấy những gì ông đã làm, chúng tôi đều cảm nhận rằng: Tết chẳng ở đâu xa, Xuân ở ngay trong lòng người. Ông đã góp phần đem đến cái Tết đầm ấm cho nhiều người còn khó khăn, góp phần đem mùa xuân về nơi heo hút như Nhơn Ninh.