Đối thoại Shangri-La: Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết trong hòa bình
Tình hình Biển Đông là một trong những vấn đề trọng tâm của Đối thoại Shangri-La, khai mạc ngày hôm qua tại Singapore. Phát biểu trước truyền thông sau cuộc đối thoại đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Singapore đều cho rằng cần phải có tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Manohar Parrikar khẳng định quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông vẫn không thay đổi, đó là các quốc gia liên quan cần phải giải quyết thông qua đàm phán chứ không phải là tiến hành các hoạt động ép buộc. Ông cũng nhấn mạnh Ấn Độ sẽ hợp tác với từng nước trong khu vực phía Đông thông qua chính sách Hành động hướng Đông của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Singapore tham gia đối thoại. |
“Với phương châm hướng về phía Đông và hành động theo hướng Đông có nghĩa là không chỉ nói suông mà Ấn Độ còn muốn hợp tác với các nước ở phía Đông Á theo hướng tích cực. Về cơ bản, nếu các bạn liên quan đến những mối lo ngại nào đó thì chúng tôi cũng sẽ tham gia cùng các bạn. Chúng tôi đã quyết định sẽ là một phần của khối ASEAN cộng trong mọi vấn đề cũng như những lo ngại của cộng đồng này”, Bộ trưởng Ấn Độ cho biết.
Phát biểu tại Singapore trước khi tham dự các buổi hội đàm, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain bày tỏ quan ngại về hậu quả nếu như Trung Quốc chối bỏ những phán quyết sắp tới của Liên Hiệp Quốc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Ông cho hay: “Sự lựa chọn cho Bắc Kinh đó là việc nước này sẽ sử dụng sức mạnh và vị thế đang lên của mình như thế nào. Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ép buộc những người hàng xóm và đơn phương hành động trên những khu vực lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, phán quyết sắp tới của tòa án sẽ là một phép thử cho Trung Quốc. Quyết định này cần phải được Bắc Kinh thừa nhận như một điều luật chứ không phải là một lựa chọn. Đông Nam Á và cả thế giới sẽ theo dõi sát sao sự lựa chọn sau đó của Trung Quốc”.
Đoàn đại biểu Mỹ tham dự Đối thoại lần này do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dẫn đầu và phía Trung Quốc có sự góp mặt của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Sun Jianguo.
“Một thế giới, một vận mệnh”
Một chủ đề khác cũng được đưa ra trong các cuộc đối thoại lần này, đó là chủ nghĩa khủng bố. IS đang là một mối lo ngại lớn ở phía Nam Philippines khi tổ chức này đã hình thành một trụ sở có thể khởi xướng các cuộc tấn công khủng bố bất kỳ lúc nào trong khu vực. Các quốc gia khác cũng có những vấn đề như việc công dân trong nước đang tìm cách sang Syria để tham gia thánh chiến. Vì vậy, việc khu vực có thể tận dụng nguồn lực để giải quyết mối đe dọa này ra sao cũng là một vấn đề được các Bộ trưởng quốc phòng quan tâm đề cập.
Thủ tướng Thái Lan phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La. |
Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha nhấn mạnh an ninh của tất cả các nước và khu vực Đông Á có mối liên kết chặt chẽ với thế giới. “Chúng ta sống trong một thế giới toàn cầu hóa, không có biên giới bởi sự phát triển của giao thông và công nghệ, có thể kết nối con người sau vài giây và vì vậy điều này vừa có thể tạo ra khủng hoảng nhưng cũng mang lại cơ hội. Các thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày càng tăng và có quy mô xuyên quốc gia, vì vậy, từ bây giờ, chúng ta cần phải chia sẻ thực sự, không chỉ là chia sẻ hạnh phúc mà còn cần phải chia sẻ cả nỗi đau và sự thử thách”, Thủ tướng Thái Lan cho hay.
Ông cũng khẳng định: “Và bởi vì cộng đồng thế giới đang dần dần xích lại gần nhau từ quan điểm “một quốc gia, một vận mệnh” thành “một thế giới, một vận mệnh”. Tất cả các nước cần phải cùng nhau tìm cách giải quyết các vấn đề, các thách thức để mang lại một lợi ích công bằng, tăng cường lòng tin và hiểu biết lẫn nhau”.
Ngoài ra, các vấn đề khác trên thế giới như mối đe dọa từ Triều Tiên, điều chỉnh các cạnh tranh quân sự và thách thức an ninh của vấn đề nhập cư bất thường cũng sẽ được các Bộ trưởng thảo luận trong ba ngày diễn ra hội nghị. Có tổng cộng 19 Bộ trưởng quốc phòng các nước tham dự Đối thoại năm nay, bao gồm cả các quan chức đến từ Hàn Quốc và Pháp.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin của Channel News Asia, phiên bản điện tử tiếng Anh của kênh Asian TV News (Singapore).