Tổng kiểm soát phương tiện: Nếu thường xuyên làm nghiêm, cần gì "ra quân"?
Nhiều người cho rằng, việc thực hiện tổng kiểm soát này theo "mùa vụ", chỉ có tác dụng trong thời điểm đó. Còn nếu làm thường xuyên, xử lý nghiêm thì không cần đến các đợt "ra quân"...
Những ngày qua, từ khi Cục CSGT (C08 – Bộ Công an) thực hiện tổng kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ (từ 15/5 đến ngày 14/6), đã làm nảy sinh những luồng dư luận khác nhau trong xã hội.
Đa phần dư luận đều khẳng định, hoạt động này rất cần thiết, đúng đắn vì một xã hội văn minh. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng đợt tổng kiểm soát này diễn ra ngay sau khi Chính phủ và người dân cả nước vừa dồn toàn lực "chiến đấu và khống chế" đại dịch, hầu hết doanh nghiệp và người dân đang phải “gượng dậy” sau thời gian khó khăn, thì nhiều người cho rằng chưa phù hợp.
Cảnh sát giao thông được phép dừng các phương tiện (ảnh minh họa) |
Nếu bình thường làm nghiêm minh thì có cần đến tổng kiểm soát?
Ông Bằng - chủ một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội cho biết: “Những ngày bình thường lực lượng chức năng vẫn tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên liên tục. Chính vì vậy, theo tôi, việc thực hiện đợt tổng kiểm soát vào thời điểm này cũng nên tính toán lại”.
Theo ông Bằng, nếu chỉ là kiểm tra đơn thuần thì sẽ không sao, nhưng nếu có hiện tượng sách nhiễu, hạch sách, gây cản trở, làm mất thời gian của người dân thì rất đáng lo.
“Đôi khi một chặng đường chở khách của chúng tôi qua một tỉnh, bị mấy chốt dừng kiểm tra dẫn tới việc mất thời gian, hành khách cảm thấy rất phiền toái... Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm là công việc thường xuyên, liên tục mà ngành chức năng phải làm hàng ngày, hàng giờ, vậy có cần thiết phải đưa ra một chiến dịch tổng kiểm tra hay không? Hết tổng kiểm tra thì thôi không kiểm tra nữa sao?”, ông Bằng nhấn mạnh.
Ông Bằng cũng cho rằng: “Việc kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức là điều thường xuyên phải làm, không nhất thiết phải tổng kiểm tra làm gì cho tốn kém. Đợt tổng kiểm tra theo Nghị định 100 vừa mới kết thúc thì nay lại tổng kiểm tra, gây ra phiền toái rất lớn”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Công (35 tuổi, lái xe tải quê ở Phú Thọ) cho biết, cả nước như vừa trải qua một "cuộc chiến" khiến người dân sức cùng lực kiệt, chưa kịp khôi phục lại hoạt động sản xuất. Từ khi tổng kiểm soát, mỗi khi thức dậy phải ra đường đi làm kiếm sống, người dân lại có cảm giác rất lo lắng, bất an.
CSGT đo nồng độ cồn của lái xe |
Anh Công làm nghề lái xe tải từ Phú Thọ lên Hà Nội mưu sinh, sau khoảng thời gian dài phải nghỉ do dịch, nay mới được hoạt động trở lại. Hoạt động kinh doanh, sản xuất dần mới khôi phục nhưng vẫn còn rất chậm khiến cho công việc của anh ít hơn hẳn so với những ngày trước khi có dịch.
“Phí đường bộ tăng, CSGT làm thế thì người dân chúng tôi rất khổ như 1 cổ 2 tròng. Mấy ngày nay chúng tôi đi lại liên tục bị các trạm, các chốt và các tổ lưu động dừng kiểm tra rất phiền toái, mất thời gian, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của chúng tôi. Bấy lâu nay, hoạt động kiểm soát của lực lượng chức năng vẫn diễn ra bình thường trên đường, đâu nhất thiết cứ phải tổng kiểm soát làm gì. Mặc dù việc làm này là cần thiết để kiểm soát chất ma túy, những đối tượng côn đồ, say xỉn,... nhưng nếu bình thường làm nghiêm minh thì chẳng cần đến tổng kiểm soát vẫn đạt hiệu quả”, anh Công cho hay.
Tài xế Nguyễn Văn Công. |
Theo anh Công, thực tế sau những đợt tổng kiểm soát hô hào rất kêu nhưng đâu lại vào đó, ví dụ như Nghị định 100, tới nay người dân vẫn uống rượu bia nhan nhản,...
“Theo tôi nên chăng chúng ta thực hiện nhiệm vụ như bình thường, chặt chẽ, minh bạch thì đạt hiệu quả nhanh chóng, người dân lại nể trọng. Việc thực hiện tổng kiểm soát này như làm theo mùa vụ, chỉ có tác dụng hiệu quả trong vòng ít ngày thực hiện, sau đâu lại vào đó. Vậy vấn đề mấu chốt không phải là tổng kiểm soát mà là cách thực hiện”, anh Công nói.
Cần có biện pháp đồng bộ
Ông Hoàn (41 tuổi, nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Theo quan điểm của tôi, thời điểm này thực hiện đợt tổng kiểm soát giao thông là chưa phù hợp. Tất nhiên, những nhà quản lý có nhiều cách để quản lý tình hình giao thông chứ không phải kế hoạch tổng kiểm soát là phương pháp quản lý duy nhất”.
Theo ông Hoàn, những nhà quản lý nên cân nhắc tính thời điểm của kế hoạch. “Cho đến thời điểm này không ai có thể khẳng định rằng chúng ta đã chiến thắng đại dịch toàn cầu. Chúng ta đã qua hơn 30 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Chính phủ vẫn đang tập trung xử lý việc đưa những người Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước theo nhu cầu chính đáng của họ. Điều đó cho thấy ngành y và các ngành chức năng của chúng ta vẫn đang phải đối phó với việc cách ly và điều trị cho những ca mắc,... Đặc biệt thời điểm này nên dồn sức vào các biện pháp hồi phục nền kinh tế, trong đó nên tạo điều kiện cho người dân khôi phục sản xuất như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Hoàn cho rằng, muốn khôi phục hoạt động sản xuất hàng hóa thì khâu lưu thông, phân phối đóng vai trò rất quan trọng, nếu khâu này bị ảnh hưởng thì sẽ kéo theo nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn. |
“Tất nhiên, không phải vì thế mà tôi ủng hộ những vi phạm của người tham gia giao thông. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận là cuộc sống không thể kéo dài những cuộc kiểm tra liên tục 24/7 được. Chúng ta nên đặt cuộc tổng kiểm soát này vào giai đoạn khác phù hợp hơn vì áp dụng ở giai đoạn này sẽ không tạo điều kiện thúc đẩy cho nền kinh tế. Ở mỗi thời điểm, chúng ta nên đặt ra những vấn đề cần ưu tiên. Hiện nay, ưu tiên hàng đầu là phục hồi lại nền kinh tế chứ không nên thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát giao thông”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Theo ông Hoàn, người dân trong xã hội không đồng tình với những hành vi, vi phạm giao thông và đều mong muốn ý thức giao thông được nâng cao, từ đó đẩy lùi vi phạm giao thông, giảm thiệt hại về người và của.
“Theo tôi, việc thực hiện tổng kiểm tra và được dừng bất kỳ phương tiện nào, kể cả không có dấu hiệu vi phạm, rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình lưu thông, trong đó có hàng hóa”, ông Hoàn cho biết.
Ông Hoàn nhấn mạnh thêm, nếu như phát hiện được vi phạm là điều hữu ích, nhưng chúng ta không thể chắc chắn tất cả các xe dừng lại đều vi phạm. “Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những chiếc xe không vi phạm kia, ảnh hưởng đến quá trình lao động sản xuất của họ. Nếu như ở thời điểm bình thường là một câu chuyện khác, nhưng ở giai đoạn này tôi vẫn nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là khôi phục lại sản xuất, hồi phục lại nền kinh tế”.
Cuối cùng ông Hoàn cho rằng, cơ quan quản lý cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ để giữ gìn trật tự an toàn giao thông chứ không thể dựa vào một biện pháp này hay một cách làm kia.
“Khoa học đã chứng minh chúng ta không thể cứ phạt thật nặng thì có thể giảm được vi phạm mà cần phải làm đồng bộ tất cả khâu. Cần quản lý tốt hơn đội ngũ cán bộ trong quản lý giao thông, làm trong sạch bộ máy vì đâu đó vẫn phát hiện cán bộ tiêu cực như bảo kê hay tham nhũng vặt,...; cần nâng cấp hạ tầng giao thông. đồng bộ với nhau sẽ cho kết quả tích cực, chứ không nên trông chờ vào một biện pháp. Một biện pháp không thể lập lại trật tự của cả một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm như lĩnh vực giao thông đường bộ”, ông Hoàn nói.
Theo vov.vn