Vụ thanh niên bị trói, đánh tử vong ở gara ô tô: Nếu nạn nhân đột nhập, nhóm đánh người vẫn phải chịu án
Trưa 31/8, trao đổi với PV Infonet, Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết, Công an huyện đã báo cáo Công an TP Hà Nội vụ việc người đàn ông tử vong trong gara ô tô ở xã Hà Hồi để tiếp tục xử lý.
Liên quan đến vụ việc phát hiện người đàn ông tử vong tại nhà kho gara ô tô Thành Nam (thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín), Công an huyện đã ra lệnh bắt và tạm giữ hình sự 5 đối tượng liên quan.
Nhóm đối tượng đánh trói người tử vong ở huyện Thường Tín đã bị bắt. |
Trước đó, vào trưa 29/8, Công an huyện Thường Tín nhận được tin báo từ Công an xã Hà Hồi về việc phát hiện một người tử vong tại khu vực nhà kho của gara ô tô Thành Nam. Nạn nhân chết trong tư thế bị trói; cơ thể có dấu hiệu ngoại lực tác động.
Tiến hành điều tra, cơ quan công an xác định danh tính người đàn ông tử vong là N.T.T, SN 1985, trú tại xã Hà Hồi. Nạn nhân bị hành hung và bị bịt miệng, dẫn đến tử vong do ngạt khí.
Tập trung điều tra, cơ quan công an làm rõ 5 người liên quan đến cái chết của anh T. gồm: Nguyễn Trọng Nam (SN 1986), Phạm Văn Thái (SN 1998), Đỗ Hòa (SN 1995), Tào Văn Trường (SN 1999) và Hoàng Văn Tuyến (SN 1998), đều tạm trú tại xã Hà Hồi.
Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, khoảng 10h ngày 29/8, họ phát hiện thấy N.T.T đột nhập vào kho hàng của gara ô tô Thành Nam của Nguyễn Trọng Nam, có ý đồ trộm cắp. Nhóm đã hè nhau khống chế, đánh và lấy giẻ bịt miệng nạn nhân. Chịu trận đòn hội đồng và bị ngạt thở, nạn nhân đã tử vong.
Căn cứ tài liệu thu thập, cơ quan Công an huyện Thường Tín đã ra lệnh bắt và tạm giữ hình sự 5 đối tượng trên để điều tra về các tội danh cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật. Hiện Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội) cho hay: “Quy định của pháp luật, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: ''Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Tính mạng con người là điều cao quý nhất của cuộc sống.
Mọi hành vi tước đoạt quyền được sống của người khác đều bị pháp luật xử lý nghiêm''.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật đã nghiêm cấm người dân sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn trừ những trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết được quy định tại Điều 22 và Điều 23 Bộ luật Hình sự”.
Theo luật sư, trong vụ việc này, những người phát hiện đối tượng có hành vi đột nhập nhà kho trộm cắp tài sản thì có quyền bắt giữ và thông báo hoặc áp giải ngay đến đến cơ quan công an; tuy nhiên, do bức xúc, thiếu kiềm chế nên nhóm 5 người đã sử dụng vũ lực đánh chết đối tượng trộm cắp, lại trở thành hành vi phạm tội.
Xét hành vi của những người dân đã sử dụng vũ lực ngoài những trường hợp cho phép theo quy định của pháp luật, xâm phạm đến tính mạng người khác đã có dấu hiệu phạm tội giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự, các đối tượng phạm tội có thể sẽ bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, khi xét xử, những người tham gia đánh chết nạn nhân có thể sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt do người bị hại có lỗi một phần là nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội giết người.
Luật sư nói thêm: ''Việc Công an huyện Thường Tín bắt và tạm giữ hình sự 5 đối tượng trên để điều tra về các tội danh cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật căn cứ theo các kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an huyện. Khi chuyển hồ sơ vụ án, cơ quan Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra, có thể thay đổi tội danh, theo đó, các mức hình phạt cũng sẽ thay đổi".
Sông Yên