Dự án hồ chứa đội vốn trăm tỷ, lấy đất từ năm trước, năm sau giá đất tăng gấp 3 vẫn chưa trả tiền đền bù
Dừng sản xuất để bàn giao mặt bằng cho dự án hồ chứa nước Yên Ngựa nhưng hơn một năm qua người dân xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) chưa nhận được tiền đền bù để tái thiết sản xuất, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng
Cả năm thấp thỏm chờ đền bù
Theo phản ánh của người dân, dự án hồ chứa nước Yên Ngựa tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) chậm chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của các gia đình có đất bị thu hồi, khiến họ rất bức xúc.
Ông Đinh Chí Xuân (xã Cư Êwi) cho biết, gia đình ông có 1,8ha rẫy thuộc diện thu hồi, được áp giá đền bù hơn 3 tỉ đồng tại dự án hồ Yên Ngựa nhưng đã hơn 1 năm trôi qua vẫn chưa nhận được đồng nào.
Theo ông Xuân, hiện ông không còn canh tác trên đất rẫy bị kiểm kê, thu hồi. Thế nhưng, gia đình ông cũng chưa nhận được tiền để mua đất mới tái thiết sản xuất, không có thu nhập, cuộc sống rất khó khăn.
Vườn cây của người dân đã bỏ hoang tại khu vực dự án hồ Yên Ngựa. |
Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm có 1,3ha đất rẫy được phê duyệt đền bù 3,3 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.
“Hồ chứa nước Yên Ngựa là dự án lớn, bà con chúng tôi rất ủng hộ, nhiệt tình hợp tác trong quá trình đền bù GPMB. Thế nhưng, quá trình chi trả tiền đền bù GPMB quá chậm, lại chia ra nhiều đợt nhỏ lẻ. Chúng tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét, sớm chi trả cho bà con có vốn để mua đất nơi khác, đầu tư trồng trọt, sớm ổn định cuộc sống”, ông Lâm nói.
Ngoài ông Xuân, ông Lâm, còn hàng chục hộ dân khác có đất thuộc diện thu hồi tại dự án hồ chứa nước Yên Ngựa đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Người dân cho rằng, việc chậm chi trả đền bù đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của họ. Bởi lẽ, hiện bà con không còn đầu tư, canh tác trên diện tích đất được kiểm kê thu hồi. Nhiều người muốn đến nơi khác mua đất để lập rẫy, làm vườn nhưng chưa có tiền, chưa thể đi được.
Cũng theo chia sẻ của người dân xã Cư Êwi, từ giữa năm 2021 đến nay, giá đất tại địa bàn đã tăng lên bất thường. Hiện, nếu nhận tiền đền bù thì bà con chỉ mua được những mảnh đất có diện tích chưa tới 1/3 so với diện tích bị thu hồi của họ tại hồ Yên Ngựa.
“Nếu năm ngoái nhận tiền đền bù 3 sào, chúng tôi sẽ mua lại được 3 sào nơi khác. Còn hiện tại giá đất trên địa bàn huyện tăng cao, giờ nhận tiền đền bù 3 sào thì chúng tôi chỉ mua được 1 sào nơi khác”, ông Lâm lo lắng.
Một số vườn cây của người dân đã bị đốt cháy nhưng chủ vườn vẫn chưa nhận được tiền đền bù. |
Dự án đội vốn hơn 100 tỉ đồng?
Liên quan đến dự án trên, ông Lê Phú Hanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết, hiện các diện tích đất thuộc công trình đầu mối của dự án đã được bồi thường để thi công. Còn lại, những hộ chưa nhận được bồi thường có đất thuộc khu vực lòng hồ, khu vực này chưa thi công, chưa tích nước.
Cũng theo ông Hanh, huyện đã duyệt phương án, gửi thông báo thu hồi đất nhưng dự án thiếu kinh phí, chủ đầu tư đang xin bổ sung thêm mới có để chi trả cho bà con. “Chi phí bồi thường GPMB tại dự án cao hơn nhiều so với dự toán nên chủ đầu tư phải báo cáo, xin bổ sung vốn và phải thông qua HĐND tỉnh nên phải mất nhiều thời gian", ông Hanh chia sẻ.
Theo các hồ sơ liên quan, hiện UBND huyện Cư Kuin đã phê duyệt phương án và thực hiện chi trả được 4/5 đợt bồi thường, hỗ trợ. Còn lại đợt 5 với 60 hộ có diện tích hơn 23,7 ha (thuộc phần diện tích lòng hồ), có tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ dự kiến khoảng 38 tỉ đồng đến nay chưa thực hiện được.
Nhiều nông dân đang bức xúc, mong mỏi chủ đầu tư quan tâm, chi trả đền bù để tái thiết cuộc sống. |
Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, đơn vị đã cố gắng để chi trả tiền GPMB được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện chi phí GPMB đã hết, chưa thể chi trả kịp thời cho bà con.
“Ban đã đề xuất lên tỉnh để xin bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Giờ thì phải chờ vốn bổ sung. Khi có vốn, chúng tôi sẽ khẩn trương triển khai chi trả”, ông Thìn nói.
Cũng theo ông Thìn, hiện đơn vị đã lập báo cáo, đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư tại dự án hồ Yên Ngựa lên 468 tỉ đồng, tăng hơn 162,5 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Riêng chi phí GPMB dự kiến tăng lên 181 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của PV Infonet, ban đầu dự án hồ Yên Ngựa có tổng mức đầu tư 305 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và một phần vốn của tỉnh Đắk Lắk. Dự án có 2 hồ chứa gồm: hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và xã Bông Krang, huyện Lắk). Dự án này có dung tích thiết kế hơn 3,1 triệu m3 nước, phục vụ cấp nước cho 750 ha cây trồng các loại tại huyện Lắk và huyện Cư Kuin.
Năm 2021, các công trình đầu mối (giai đoạn 1) bắt đầu được triển khai thi công. Tuy nhiên, vì chậm chi trả đền bù, người dân địa phương đã nhiều lần gây khó dễ, ngăn cản các đơn vị thi công tại dự án.
Một hạng mục đang được xây dựng tại dự án hồ Yên Ngựa. |
Trần Nhân