Cụ ông 93 tuổi bị dọa, mất 5 tỉ đồng
Cụ ông 93 tuổi ở TP HCM bị gọi điện đe dọa, sau đe dọa là tâm sự... để rồi bị chiếm đoạt 5 tỉ đồng.
Phòng Cảnh sát hình sự (PC02, Công an TP HCM) vừa tiếp nhận đơn của ông N.V.B. (SN 1929, ngụ quận Tân Bình) tố cáo một số đối tượng mạo danh là công an chiếm đoạt 5 tỉ đồng.
Quy chụp lừa đảo để... lừa đảo
Trong đơn, ông B. cho hay sáng 11/7, một người gọi điện giới thiệu là "cán bộ làm việc ở Bộ Thông tin và Truyền thông" thông báo ông có hành vi nhắn tin lừa đảo nhiều người. Nếu ông không hợp tác cung cấp thông tin thì sẽ bị công an xử lý.
Mặc dù biết mình không lừa đảo ai nhưng vì quá lo sợ nên ông B. nhờ "cán bộ" này giúp đỡ và được dặn chờ máy để kết nối với số điện thoại của Công an TP Đà Nẵng. Ngay sau đó, một người xưng là đại úy Nguyễn Văn Hưng nghe máy rồi thông báo cho ông B. biết ông đang liên quan đến một đường dây mua bán trái phép chất ma túy. "Họ nói đây là vụ án rất nghiêm trọng, nếu không hợp tác sẽ vào TP HCM di lý tôi ra Đà Nẵng phục vụ điều tra" - ông B. kể.
Minh họa: KHỀU
Theo ông B., người xưng là đại úy Hưng còn hỏi ông có bao nhiêu tiền trong tài khoản, tiền mặt là bao nhiêu… Vì quá hoảng sợ, ông B. khai có sổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ đồng đang gửi ở một chi nhánh ngân hàng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Nghe vậy, "đại úy" bảo ông B. chờ máy đợi báo cáo với cấp trên xin ý kiến chỉ đạo.
Để tạo niềm tin cho ông B., "đại úy Hưng" yêu cầu ông mở loa ngoài để chờ nói chuyện với cấp trên. Trong khi chờ điện thoại, ông B. nghe rất rõ "đại úy" báo cáo tiến độ điều tra vụ án ma túy. Sau ít phút "diễn xuất", "đại úy" Hưng yêu cầu ông B. nói chuyện với đại tá tên Minh công tác tại cơ quan điều tra Bộ Công an. Vừa nói câu đầu tiên, "đại tá Minh" đã lớn giọng đe dọa ông B., buộc phải hợp tác và không được nói cho ai biết.
"Tâm sự" để tạo lòng tin
Tiếp đó, "đại úy" Hưng gửi "lệnh bắt tạm giam" thể hiện VKSND tối cao ký, đóng dấu đỏ qua Viber cho ông B. xem. "Trong khoảng thời gian 1 tuần, đối tượng này liên tục nhắn tin qua Viber yêu cầu tôi không được rời khỏi địa phương. Hắn còn biết tôi đi xe loại nào, biển số bao nhiêu, nhà sơn màu gì. Có tối người này gọi điện thoại cho tôi tâm sự, kể về sự vất vả khi tham gia một số chuyên án khám phá ma túy. Tôi cũng tâm sự đời tư của tôi cho người này nghe" - ông B. nhớ lại.
"Đại tá Minh" sau đó yêu cầu ông B. đến một chi nhánh ngân hàng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình vay 50% trong số tiền gửi tiết kiệm để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, khi ông B. ra làm thủ tục thì ngân hàng không đồng ý vì không ghi rõ mục đích vay. Thấy vậy, Minh hướng dẫn ông B. ra một chi nhánh ngân hàng khác mở thêm tài khoản. Do bị "cán bộ công an" yêu cầu không được nói cho ai biết nên ông B. âm thầm làm theo.
Kẻ lừa đảo bịa chuyện “họp phá án” để nạn nhân tin tưởng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đến ngày 19/7, khi sổ tiết kiệm đến ngày đáo hạn, "đại úy Hưng" hướng dẫn cho ông B. chuyển số tiền 5 tỉ đồng từ sổ tiết kiệm qua số tài khoản ông mới đăng ký. Người này dặn ông B. khoảng 2 ngày sau mới được ra ngân hàng mở sổ tiết kiệm. Nói rồi đối tượng yêu cầu ông cung cấp số tài khoản và mật khẩu tài khoản ngân hàng để theo dõi, quản lý.
Đến ngày 25/7, ông B. đến ngân hàng làm thủ tục mở sổ tiết kiệm thì nhân viên ngân hàng cho biết tài khoản không còn đồng nào. Ông B. hốt hoảng nhắn tin cho "đại úy" Hưng và "đại tá" Minh nhưng nhiều lần không thấy hồi âm. Ông B. yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản ngân hàng thì mới tá hỏa khi toàn bộ số tiền 5 tỉ đồng bị rút ra.
Biết mình bị lừa, ông B. đã làm đơn gửi Phòng PC02 và các cơ quan chức năng có thẩm quyền tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng. "Số tiền này là gia tài tôi tích góp bằng sức lao động chân chính. Tôi tưởng rằng khi về già sẽ được an hưởng nhưng không ngờ bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt hết. Tôi khẩn thiết đề nghị Công an TP HCM vào cuộc điều tra, bắt những đối tượng lừa đảo và giúp tôi lấy lại được số tiền tiết kiệm" - ông B. mong mỏi.
Có thể truy vết kẻ lừa đảo
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định đây là một hình thức lừa đảo nhắm tới người lớn tuổi, người thiếu hiểu biết và nhẹ dạ. Việc mạo danh cơ quan cảnh sát điều tra làm việc qua điện thoại, sau đó bằng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của người dân là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 (tùy theo tính chất, mức độ và số tiền chiếm đoạt mà các đối tượng có thể chịu mức hình phạt lên đến 20 năm - chung thân).
Theo luật sư Cường, thông qua trình báo người dân về việc lừa đảo và thông tin các cá nhân nhận chuyển khoản số tiền chiếm đoạt, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan cảnh sát điều tra có thể xác minh và tìm ra các đối tượng lừa đảo để xử lý.
Theo nld.com.vn