Đối đầu Trung Quốc, Việt Nam phải thắng trên mặt trận truyền thông
Cảnh sát biển Việt Nam đang chấp pháp ở khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý. |
Từ một bài báo xuyên tạc
Một bài báo tiếng Nga được Hãng thông tấn RIA Novosti đăng tải ngày 19/5/2014 đã đưa tin sai hoàn toàn bản chất vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông. Theo tờ báo này, Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào vùng biển chỉ cách quần đảo Tam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa) 27km, trong khi đó cách bờ biển Việt Nam tận 241km.
Tác giả bài báo, ông Dmitry Kosirev, một nhà bình luận về chính trị của Nga, thậm chí còn xuyên tạc về lịch sử của Việt Nam, nói rằng Việt Nam là vùng đất thuộc Trung Quốc từ cách đây 2.000 năm. Thậm chí, ông này còn sáng tác rằng “Việt Nam đã sử dụng thợ lặn, tàu để ngăn cản Trung Quốc”.
Bài báo của tác giả Dmitry Kosirev mượn quan hệ Nga - Trung Quốc để xuyên tạc về tình hình trên Biển Đông hiện nay. Bài đăng ngày 19/5/2014. |
Ông tác giả này đã dẫn luận cuộc Chiến tranh biên giới 1979 chính là Trung Quốc đang “cố đòi” lại “chủ quyền” của mình, sử dụng khủng hoảng Ukraine – Nga để so sánh với thực trạng quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Đây hoàn toàn là một bài báo xuyên tạc, bởi lịch sử Việt Nam đã được toàn thế giới công nhận từ trước tới nay. Bài báo chỉ là quan điểm của riêng cá nhân ông Dmitry Kosirev, tuy nhiên lại được đăng tải bởi một hãng thông tấn quốc gia sẽ đem lại hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Một số người dân Nga nếu đọc bài viết có thể sẽ hiểu những gì ông Dmitry Kosirev này đã viết là đúng.
Một màn kịch truyền thông ở mọi phương diện
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng chiêu bài ‘mặt trận truyền thông’ để thực hiện mưu đồ của mình. Trong khủng hoảng quan hệ Trung – Nhật năm 2012, Trung Quốc cũng đã từng thực hiện kịch bản này.
Thông qua nhiều hình thức, Trung Quốc đã mua lại một số trang báo có tiếng như The Washington Post, The New York Times để đăng tải quảng cáo rằng quần đảo mà Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông là Điếu Ngư – thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trong khi đó, các phiên bản tiếng Anh của các tờ báo/hãng thông tấn lớn nhà nước Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã, các kênh truyền hình quốc tế như CCTV cũng đều đặn đăng tải các bài viết/bản tin khẳng định quan điểm chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku – quần đảo hiện thuộc sự quản lý của Nhật Bản.
Hệ quả của chiến dịch truyền thông tấn công ào ạt và mạnh mẽ này là người dân Trung Quốc thấm nhuần tư tưởng do chính phủ của họ muốn họ hiểu, kích động chủ nghĩa dân tộc sâu rộng và dẫn đến một phong trào bài Nhật trên khắp đất nước.
Đến nay, Trung Quốc đã thực hiện lại kịch bản này đối với Việt Nam. Ngoài bài báo của hãng thông tấn Nga, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các mặt trận báo chí tiếng Anh trong nước đã kể trên để tăng cường củng cố cho tham vọng bá quyền của chính phủ Bắc Kinh.
Theo Đài truyền hình Việt Nam đưa tin hồi trung tuần tháng Năm, Trung Quốc đã cho máy bay ra để ghi hình thực địa khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương-981 với những mưu mô khó lường chuẩn bị cho một cuộc chiến truyền thông.
Việt Nam phải thắng ở mọi mặt trận
Bản kiến nghị yêu cầu Tổng thống Mỹ quan tâm đến việc trừng phạt Trung Quốc vì đã đưa giàn khoan trái phép Hải Dương-981 vào vùng chủ quyền Việt Nam. Ảnh chụp màn hình website của Nhà Trắng. Đây là một cách truyền thông hiệu quả tới dư luận quốc tế, tuy nhiên các biện pháp này vẫn đang do các cá nhân tự phát thực hiện mà chưa có kế hoạch bài bản. |
Việt Nam hiện đang đi những bước chắc chắn trên mặt trận ngoại giao, nhận được rất nhiều sự ủng hộ của thế giới. Thực tế, hầu hết các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông đều hiểu rõ bản chất “trỗi dậy ngông cuồng” của Trung Quốc. Không chỉ gây sự với Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc còn bắt nạt Philippines, đe dọa chủ quyền của Indonesia. Bắc Kinh thậm chí còn sử dụng cường quyền để ép các quốc gia thành viên ASEAN phải im lặng đối với tình hình Biển Đông.
Ngoài việc tiếp tục tận dụng các mối quan hệ ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ, Việt Nam không thể quên mặt trận truyền thông. Bởi trong bối cảnh thông tin được chuyển tải nhanh chóng như hiện nay, truyền thông là phương tiện hiệu quả nhất để tuyên truyền về các hành động sai trái của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam. Đồng thời, truyền thông cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của công dân của các quốc gia trên thế giới và dập tắt cơn sóng thông tin sai lệch về vụ việc giàn khoan của Trung Quốc.
Các hoạt động truyền thông của Việt Nam hiện tại chỉ mới dừng lại ở các cá nhân, nhóm người lẻ tẻ. Dẫu đã có những tác động nhất định đối với dư luận thế giới, tuy nhiên, đó vẫn là chưa đủ để đối đầu lại với kịch bản truyền thông bài bản của Trung Quốc.