Doanh nghiệp tặng xe tiền tỷ: "Mốt" trong quan hệ doanh nghiệp với chính quyền?
Đây là quan điểm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn PV Báo điện tử Infonet xung quanh câu chuyện doanh nghiệp tặng xe tiền tỷ cho chính quyền và chỉ đạo của Thủ tướng “địa phương không nhận xe ô tô của doanh nghiệp”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi không nghĩ là Thủ tướng yêu cầu các địa phương “trả ngay” các xe đã tặng cho doanh nghiệp. Nội hàm của cụm từ “từ nay” chắc không đến mức khó hiểu hoặc dễ bị hiểu lệch lạc |
Infonet: Sau Ninh Bình, Đà Nẵng và Cà Mau… mới đây báo chí lại tiếp tục phát hiện thêm doanh nghiệp tặng 2 xe Toyota Land Cruiser do tỉnh UBND tỉnh Nghệ An, với giá trị của những chiếc xe này được cho lên tới nhiều tỷ đồng..., theo nhận định của ông danh sách này có dừng ở đây?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Nói chung dư luận và nhiều người cho rằng danh sách không chỉ dừng lại ở các địa phương trả xe doanh nghiệp tặng vừa qua. Chuyện đó chắc đã trở thành một vấn đề “bình thường” và dường như là một thứ “mốt” trong quan hệ xã hội giữa doanh nghiệp với một số địa phương.
Infonet: Ông có thể cắt nghĩa được vì sao, chính quyền các địa phương nhận xe của doanh nghiệp tặng, có lợi ích gì đối với doanh nghiệp không khi họ tự nguyện bỏ ra số tiền lớn như vậy để tặng chính quyền?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Cũng khó có thể cắt nghĩa ngay được vấn đề mà báo chí và dư luận nêu ra thời gian qua. Nếu nói là việc tặng xe của doanh nghiệp là “bất vụ lợi” thì chắc không ai tin, tuy nhiên theo tôi trong số đó cũng có thể có trường hợp DN cho đi một cách vô tư. Nhưng là trường hợp nào cụ thể thì không thể xác định.
Infonet: Như ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương từng nói thì “chẳng ai cho không ai cái gì” và hành động này làm cho hình ảnh chính quyền địa phương trở nên “nhếch nhác”, quan điểm của ông về điều này như thế nào, thưa ông?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Về cơ bản tôi đồng tình với ĐB Nguyễn Sỹ Cương. Tuy nhiên, như tôi đã nói, cũng có thể có doanh nghiệp thực sự “phát tâm" giúp địa phương… thì có thể đó là trường hợp được hiểu là “vô tư”. Vì nói chung nước ta chưa phải đã giàu, nhiều địa phương còn khó khăn. Mặc dù nhà nước có chế độ, chính sách nhưng chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điều kiện để CBCC thực hiện nhiệm vụ, vẫn cần tiếp tục trang bị.
Infonet: Sau khi báo chí phản ánh, Thủ tướng đã chỉ đạo “các địa phương không nhận xe ô tô của doanh nghiệp tặng”. Chỉ đạo theo ông có nên hiểu là “từ nay không nhận” hay nếu đã nhận thì cũng nên hoàn trả lại cho các doanh nghiệp?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Tôi không nghĩ là Thủ tướng yêu cầu các địa phương “trả ngay” các xe đã tặng cho doanh nghiệp. Nội hàm của cụm từ “từ nay” chắc không đến mức khó hiểu hoặc dễ bị hiểu lệch lạc. Tuy nhiên, có lẽ một số địa phương “ngại” chuyện đó nên tự nguyện trả lại doanh nghiệp. Tôi không nghĩ chuyện đó là đáng tuyên dương hoặc đánh giá cao.
Infonet: Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ dừng lại các địa phương nhận xe mà tình trạng này cũng xuất hiện ở Bộ ngành… do đó, cần phải xử lý nghiêm bởi sau khi Thủ tướng đã có ý kiến rồi mà không tự giác trả lại. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Việc ở bộ ngành có hay không tôi chưa tìm hiểu và chưa có thông tin, tuy nhiên cũng không loại trừ, có lẽ phải hỏi Cục quản lý công sản thì có thể sẽ biết. Nhưng như trên tôi đã nói, Thủ tướng nói vậy không có nghĩa phải “trả ngay”, do đó không thể xử lý nếu xe đó được thiết lập quyền sở hữu đúng quy định và được sử dụng vào mục đích hữu dụng cho cộng đồng, nhà nước, cơ quan, đơn vị mà không phải chỉ phục vụ mục tiêu cá nhân trái pháp luật, ví dụ xe tặng để cứu thương.
Infonet: Và có cơ sở pháp lý để thực hiện việc hoàn trả này không nếu khi tặng chính quyền, bộ, ngành đã lỡ “hứa hẹn” hoặc ký kết biên bản ghi nhớ tạo điều kiện cho DN điều A, điều B…Trong tình huống này, các địa phương, bộ, ngành phải thực hiện như thế nào?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Trường hợp hứa hẹn tạo điều kiện nếu là phương thức “trải thảm đỏ vô tư” hoặc không vì vụ lợi, hoặc tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, bất công giữa các doanh nghiệp thì không có gì phải bàn luận nhiều. Ngược lại, thì thực sự rất khó xử.
Infonet: Vậy để không lâm vào tình cảnh ‘khó xử” các bộ ngành, địa phương theo ông cần phải làm gì?
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Tôi đã nêu quan điểm rằng, pháp luật không cấm doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân tặng cho tài sản; không có quy định về cấm doanh nghiệp tặng xe cho chính quyền.
Pháp luật chỉ cấm tham nhũng và đối xử không công bằng, thiên vị hoặc tìm cách gây khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc tặng xe, tức là những chuyện khuất tất. Vì vậy, trong tất cả các trường hợp cần công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Mặt khác, địa phương cần công tâm trong giúp đỡ doanh nghiệp thực hiện chức năng sản xuất – kinh doanh. Nếu họ làm ăn tốt thì họ tặng 1, 2 xe chứ tặng nhiều vẫn có thể nhận để sử dụng vào các nhiệm vụ công, thích hợp, phục vụ cộng đồng, làm công tác xã hội… Trường hợp có sai phạm thì xử lý nghiêm. Như vậy sẽ một mặt hạn chế cái sai mà còn dung dưỡng cái tốt.
Infonet: Xin cảm ơn ông!