Đổ mồ hôi trộm cảnh báo trẻ đang còi xương
Trẻ em thường có sự trao đổi chất diễn ra mạnh hơn so với người lớn, do vậy hiện tượng đổ mồ hôi trộm chính là cách để cơ thể trẻ được tỏa nhiệt. Trong hầu hết các trường hợp, việc đổ mồ hôi không tác động xấu sức khỏe.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý, việc đổ mồ hôi trộm cảnh báo việc trẻ đang còi xương, thiếu vitamin D, ăn uống kém. Trong trường hợp này, trẻ thường đổ mồ hôi trộm ở lưng, trán, nách, hay bàn tay, bàn chân… Để điều trị, cần bổ sung vitamin D bằng cách kích thích trẻ hoạt động thể thao dưới ánh nắng buổi sáng vào các khung giờ từ 6 - 9 giờ sáng mùa hè, từ 9 - 10 giờ sáng mùa đông. Nên để da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.
Về chế độ dinh dưỡng, nên tăng cường ăn các loại thủy hải sản như trai, sò, hến, cá diếc, cá quả bởi đây là nguồn bổ sung canxi dồi dào giúp quá trình hoàn thiện hệ thần kinh tốt hơn, hỗ trợ khắc phục tình trạng đổ mồ hôi trộm. Để giải nhiệt, nên cho trẻ ăn đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh...Có thể nấu cháo hoặc chè đậu đen, đậu xanh cho trẻ ăn hàng ngày. Trong các món ăn, có thể chế biến thêm nấm mèo bởi đây là thực phẩm bổ dưỡng, giúp khắc phục chứng mồ hôi trộm. Loại nấm này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bổ huyết và thanh lọc ống tiêu hóa, từ đó giảm các kích thích từ hệ tiêu hóa nhạy cảm của trẻ lên dây thần kinh, giảm tác nhân gây đổ mồ hôi trộm.
Về rau củ, nên cho trẻ ăn các loại rau củ quả có tính mát như bí đao, cam, rau má, cải ngọt… Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm nóng, chứa nhiều dầu mỡ để tránh ra nhiều mồ hôi, khiến trẻ ngứa và nổi mụn.
Trong những ngày nhiệt độ ngoài trời cao, có thể cho trẻ ăn các món cháo cá chạch, cá quả, cháo trai.
Cháo trai chữa bệnh ra mồ hôi trộm rất nhạy. Có thể lấy 5 - 7 con trai đồng, lá dâu non một nắm, gạo nếp và tẻ đủ dùng, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ. Pha nước muối loãng ngâm trai, có thể cho thêm vài lát ớt vào cho trai nhả nhớt, sau đó đem ra rửa sạch, luộc, nhặt lấy ruột trai và lọc lấy nước trong. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào cho thơm.
Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, gạo tẻ, gạo nếp xay thành bột mịn, cho thêm nước vào nước luộc trai, cho bột gạo vào quấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín cho trai, lá dâu, nêm vừa gia vị, cháo sôi lại là được. Món cháo này nên ăn lúc đói bụng, ăn liền nhiều ngày để chữa bệnh đồng thời cũng tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Ăn thịt trai giúp bổ sung kẽm cho trẻ. Trong 100g thịt trai có 70mg kẽm, gần gấp đôi so với thịt bò. Ngoài ra, thịt trai còn quý vì chất béo của nó không gây hại. Theo Đông y, trai vị ngọt đậm, tính hàn, có công năng bổ âm, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc; thường dùng cho trẻ em hay ra mồ hôi trộm, chậm lớn. Món canh trai, rau răm, hành thái nhỏ ăn nóng với cơm vừa dễ ăn, vừa có giá trị dinh dưỡng và trị đổ mồ hôi trộm rất tốt.
Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)
Theo khoahocdoisong.vn